Trái phiếu chính phủ kì hạn dài được ưa thích hơn trong dịch COVID-19
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết tại phiên đấu thầu ngày 25/3, tổng khối lượng trái phiếu chỉnh phủ (TPCP) chào bán trong phiên là 3.000 tỉ đồng tại các kì hạn 10,15 và 20 năm (mỗi kì hạn 1.000 tỉ đồng).
Kết quả, phiên đấu thầu chỉ huy động được 301 tỉ đồng tại kì hạn 20 năm với lãi suất tăng nhẹ, trái phiếu các kì hạn 10, 15 năm không có lãi suất trúng thầu.
Tại kì hạn 20 năm có 4 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 301 tỉ đồng với lãi suất trúng thầu 3%/năm, cao hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 4/3/2020).
Như vậy, kể từ đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước huy động được 32.981 tỉ đồng trái phiếu chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại HNX, cách khá xa so với kế hoạch phát hành từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng trong quí I/2020.
Nhu cầu phát hành thực tế của KBNN thấp hơn nhiều do tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn rất chậm. Hai tháng đầu năm 2020 mới chỉ giải ngân được 34.700 tỉ đồng bằng 7,4% kế hoạch năm.
Tuy nhiên theo HNX, đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang dần phải chịu tác động từ dịch COVID-19.
Kì hạn TPCP ngày càng tăng, lợi tức vẫn có thể giảm tiếp
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 2 có tổng cộng 13.734 tỉ đồng TPCP với kì hạn bình quân là 18,2 năm được phát hành, cao hơn so với 9.526 tỉ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 14,1 năm được phát hành trong tháng 1/2020.
Ước tính số liệu trái phiếu phát hành trong 4 tuần tháng 3 (tính đến ngày 25/3), tổng giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp là hơn 15.800 tỉ đồng với kì hạn bình quân là 18,1 năm.
Trong tuần từ 16/3 - 20/3, lợi tức trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng đồng loạt từ 15-45 điểm ở tất cả các kì hạn.
Các chuyên gia của SSI cho rằng động thái giảm lãi suất của NHNN vẫn thấp hơn so với kì vọng nên các nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lãi, kéo lãi suất thị trường thứ cấp nhích tăng. Đà tăng của lợi tức có thể vẫn duy trì trong tuần tới nhưng sẽ yếu dần do nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn khá lớn.
Thêm vào đó, việc Fed hạ lãi suất có thể khởi động một làn sóng nới lỏng mới trên toàn cầu nói chung và gia tăng kì vọng nới lỏng tại Việt Nam khiến cầu TPCP tăng lên. Bởi vậy, lợi tức TPCP vẫn có thể giảm dù đã ở mức rất thấp.