|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba ngân hàng không còn là nhà tạo lập thị trường trái phiếu Chính phủ

20:22 | 11/01/2020
Chia sẻ
Thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2020 sẽ có 13 nhà tạo lập (market maker), trong đó có 10 ngân hàng và ba công ty chứng khoán.
Ba ngân hàng không còn là nhà tạo lập thị trường trái phiếu Chính phủ - Ảnh 1.

Một chi nhánh của Vietcombank tại Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Bộ Tài chính mới ban hành Quyết định số 2770/QĐ-BTC về việc công bố danh sách nhà tạo lập thị trường (market maker) công cụ nợ của Chính phủ năm 2020.

Theo quyết định này, năm 2020 thị trường trái phiếu Chính phủ có 13 nhà tạo lập, bao gồm ba công ty chứng khoán, 9 ngân hàng thương mại cổ phần và một ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% (Agribank).

Danh sách nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ năm 2019 và 2020. Nguồn: Bộ Tài chính.

So với năm 2019, danh sách các nhà tạo lập thị trường TPCP năm 2020 có thêm Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và mất đi ba cái tên là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).

Theo qui định tại Điều 26, Nghị định 95/2018/NĐ-CP, nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ phải là ngân hàng thương mại, CTCK được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có vốn chủ sở hữu thực có trên BCTC kiểm toán của ba năm liền trước không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu theo qui định; có thời gian hoạt động tối thiểu là ba năm, ...

Từ ngày 1 đến ngày 10/11 hàng năm, nhà tạo lập thị trường gửi Bộ Tài chính báo cáo về kết quả tham gia thị trường trong kì đánh giá. Căn cứ báo cáo của nhà tạo lập thị trường và cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, Bộ sẽ đánh giá điều kiện duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường và công bố trước ngày 31/12 hàng năm. 

Đối với những nhà tạo lập thị trường không đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Tài chính có văn bản thông báo và nêu rõ lí do.

Nhà tạo lập thị trường có các quyền lợi như: Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành, mua lại hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo phương thức đấu thầu; Được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc theo phương thức bảo lãnh;

Nhà tạo lập thị trường còn được tham gia trao đổi định kì về công tác phát hành và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong từng thời kì với Bộ Tài chính; được Kho bạc Nhà nước phát hành TPCP để đảm bảo thanh khoản; được ưu tiên tham gia các phiên thỏa thuận mua lại hoặc thỏa thuận hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ.

Nhà tạo lập thị trường còn có các nghĩa vụ như: Hàng năm mua (cho mình hoặc cho khách hàng) TPCP trên thị trường sơ cấp và giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kì; Chào giá mua, giá bán hàng ngày có cam kết thực hiện chắc chắn đối với các công cụ nợ chuẩn, thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua TPCP, ...

Tổng giá trị trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh huy động qua đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2019 đạt 215.267 tỉ đồng.

Tổng giá trị niêm yết tại HNX tính đến 31/12/2019 đạt hơn 1,15 triệu tỉ đồng, trong đó dẫn đầu là trái phiếu Chính phủ với tỉ trọng 86,6%, tương ứng giá trị 997.401 tỉ đồng. Theo sau lần lượt là trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương với giá trị 138.168 tỉ đồng và 16.593 tỉ đồng.

Song Ngọc