|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trái chuối cho gia súc ăn và chuyện thương lái Trung Quốc

09:21 | 12/02/2017
Chia sẻ
Trái chuối của nông dân ở hai huyện Trảng Bom, Thống Nhất tỉnh Đồng Nai đang chín rục trên cây, nông dân chặt xuống phân trái cho gia súc ăn.

Giá chuối giảm nhiều quá, năm ngoái thời điểm này là 13.000/kg. Hiện tại, giá ngày 11.2 đang từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg tuỳ chất lượng chuối. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy nằm trong cụm từ quen thuộc, "thương lái Trung Quốc ngưng thu mua".

Tôi sinh ra ở Đồng Nai, huyện Thống Nhất. Ban sáng, đọc báo có tin về quê nhà lòng xót xa, mắt đỏ hoe. Ba má tôi là nông dân, hàng xóm tôi làm rẫy, bạn bè thiếu thời nhờ nải chuối, mớ rau, con gà quê... mà đến trường. Tôi hiểu người nông dân miền quê vốn hồn nhiên, cả tin, hay mơ mộng hy vọng và chịu nhiều hệ lụy như thế nào.

Những năm hết Đại học, tôi về quê chở chôm chôm từ vườn ra Quốc lộ bán cho thương lái, giá có lúc xuống 500 đồng/kg. Đường trơn trợt, ngã vài lần mới đến quốc lộ. Nhìn mình lem nhem, tôi tự vấn, bao giờ người dân quê tôi mới thoát khỏi nỗi buồn ấy.

Hai tạ chôm chôm sau yên xe máy, tay chân sưng vù vì ngã, muỗi chích hằn trên cơ thể ba má tôi vì cắt chôm chôm từ tảng sáng, vết kiến cắn trên tay anh tôi...đổi lại là một- trăm- nghìn- đồng.

Xuyên suốt những tháng ngày quê nhà, tôi chưa từng nghe được một lời khuyên nào từ nhà quản lý nông nghiệp, tôi cũng chưa từng nghe những điều gì khác. Những thứ mà đi làm báo, tôi nghe họ nói rất nhiều trong các hội nghị, đọc rất nhiều trong báo cáo và cả những quyết sách nông thôn mới làng quê mới gì gì đấy.

trai chuoi cho gia suc an va chuyen thuong lai trung quoc

Ông Chu Văn Vũ (xã Sông Thao, huyện Trảng Bom) bên những quầy chuối già hương chín vàng - ảnh: Báo Đồng Nai

Tôi vẫn tin, một quốc gia có truyền thống nông nghiệp như nước ta sẽ vô cùng thuận lợi nếu chọn nông nghiệp là hướng đi chính. Một nền nông nghiệp với khoa học kỹ thuật cao, với sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, xanh sạch và an toàn.

Tôi vẫn tin người nông dân hoàn toàn có thể thoát nghèo, trở nên khá giả, thậm chí là giàu có với mảnh đất mà họ đang sở hữu. Vấn đề là người nông dân phải có được những điều kiện canh tác, những trang bị về kiến thức.

Tôi đọc thấy nhiều người mỗi lần tranh luận hay đổ vấy cho người nông dân tham làm vụn vặt, thích thu lợi cho mình còn hại người mặc kệ. Dẫn chứng là thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng được sử dụng vô tội vạ.

Họ nói không có gì sai cả, nhưng phải chăng đó là đặc tính của người Việt mình. Nếu mọi người chịu khó suy xét sẽ thấy có những cán bộ lãnh đạo đã vì cái tham lam vụn vặt của riêng mình mà gây thiệt hại cho ngân sách, cho niềm tin của nhân dân như thế nào. Tôi nghĩ, chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát hơn. Có điều, không nhiều người chịu tìm hiểu để nhận ra, mỗi năm người nông dân thiệt hại khoảng 50.000 tỷ vì tình trạng phân bón giả.

Đau đớn thay, không ai bảo vệ và đòi lại quyền lợi hợp pháp cho họ.

Người nông dân, ngẫu nhiên, bị gạt ra khỏi cơn ảo mộng thép, công nghiệp nặng. Bất chấp, họ vẫn được nhắc nhớ đầy trân trọng tại hội thảo của một tập đoàn nào đó.

Khi một cá nhân gánh chịu hệ quả trong sự việc nhất định, đầu tiên cá nhân ấy phải tự trách hành động tiền đề của mình. Tôi hoàn toàn đồng ý điều này với điều kiện, cá nhân ấy không phải đóng thuế, không phải chịu áp chế bởi chính sách, pháp luật của một nhóm người nào đó.

Thế nên, khi người nông dân gánh chịu hậu quả của thứ cũ kỹ và đầy xót xa mang tên "thương lái Trung Quốc", phải xét đến trách nhiệm đầu tiên của địa phương. Kế đến là của huyện, của tỉnh. Thậm chí là của lãnh đạo cao hơn, trong công tác khuyến nông, công tác nâng cao nhận thức. Ấy là chưa muốn nói đến trách nhiệm an ninh về nhiều mặt.

Sẽ chẳng có hy vọng gì cả nếu tình trạng thương lái Trung Quốc vẫn còn đất sống dựa trên sự mơ mộng của người nông dân. Còn cán bộ thì cứ nói thản nhiên: "Đã khuyên mà họ không nghe". Bởi suy cho cùng, dân mình thì mình thương. Mà thương dân thì tuyệt đối không được để dân lâm vào bi kịch từ sự hiểm độc của người nước khác.

Ngô Nguyệt Hữu