Trà, cà phê ‘gánh' 10% thuế lại 'nóng' dịp tết
Trà sữa 'đè' cà phê | |
Chủ tịch HH Cà phê ca cao: Cần sớm có quy chuẩn cho cà phê an toàn |
Trà, cà phê bị đánh thuế 10%, người tiêu dùng sẽ thiệt thòi. Ảnh: Ngọc Thắng |
Hiện tại, các mặt hàng như trà, cà phê vốn được coi là thức uống rất quen thuộc, bình thường, đặc biệt mỗi dịp xuân về, nhu cầu sử dụng lại tăng cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, các mặt hàng này chứa nhiều đường là nguyên nhân gây béo phì, bệnh tim mạch, nên đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10%.
Nếu đề xuất này được thông qua, mỗi lon cà phê, ví dụ giá 10.000 đồng sẽ tăng giá thêm 1.000 đồng; mỗi gói trà giá 15.000 đồng, sẽ tăng thêm 1.500 đồng…
Trong bản góp ý vừa công bố, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phì đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em - đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này.
Châu Á chỉ có 4 quốc gia áp dụngTheo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. “Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khoẻ”, Hiệp hội này nêu. |
Trong khi đó, chủ trương chính sách chung hiện nay đều hướng tới khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. “Không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.
Theo Công ty cà phê Biên Hòa, cà phê sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, có nguyên liệu chủ yếu của người nông dân Việt Nam. Sản phẩm cà phê là thức uống phổ thông với người Việt, là nhu cầu bình thường của người dân, có tác dụng tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng ở mức độ bình thường đúng liều lượng, và đã tạo thành văn hóa của người Việt.
Chính vì vậy, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng cà phê sản xuất dây chuyền công nghiệp là không hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư trí tuệ, năng lực để đưa ngành cà phê phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân, góp phần ổn định xã hội.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, với mức thuế suất 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, theo VCCI, thuế nước ngọt còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và người nông dân. Theo cách đánh thuế đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể ảnh hưởng cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả sữa (mặc dù sản phẩm sữa không bị đánh thuế nhưng nếu đánh thuế cà phê sữa, trà sữa, sữa trái cây thì có).
Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.