TPS đưa ra ba kịch bản VN-Index tháng đầu năm mới
Trong báo cáo chiến lược tháng 1, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định triển vọng thị trường đã tích cực hơn khi VN-Index thành công tạo đáy tại mức sâu 873 điểm. Tuy nhiên sau giai đoạn bứt phá mạnh khoảng 25% từ đáy, đà tăng của thị trường đã chững lại khi chỉ số tiến gần trendline giảm bắt đầu từ tháng 4/2022.
Với việc chưa breakout khỏi kháng cự trên, chỉ số vẫn đang vận động trong kênh giá giảm và nhịp hồi của thị trường ở các giai đoạn trước đó đã bị chặn đứng tại cận trên của kênh giá này. Vì vậy, dựa trên biến động của VN-Index tại ngưỡng cản này và áp dụng lý thuyết Elliott Wave, TPS đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong thời gian tới.
Trong kịch bản cơ sở, TPS cho rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ tích lũy trong vùng 1.000 - 1.070 điểm trước khi có thể vượt hoàn toàn kháng cự mạnh nhất trong năm 2022 là trendline giảm trên.
Trong kịch bản tích cực, sau giai đoạn tích lũy và vượt kênh giá giảm, TPS cho rằng đây là tín hiệu xác nhận cho việc thị trường đã tạo đáy và đồng thời kết thúc sóng điều chỉnh C để chuyển sang uptrend và từ đó thu hút dòng tiền sôi động trở lại. Mục tiêu của chỉ số trong giai đoạn này là vùng giá quanh mức 1.200 điểm (ngưỡng fibonacci retracement 50% và 78,6%).
Ở kịch bản tiêu cực, sau khi không thể vượt được kênh giá giảm và rơi khỏi mốc 1.000 điểm, thị trường khả năng cao sẽ đi theo mô hình sóng leading diagonal mà tại đó VN-Index sẽ còn một đợt giảm mạnh (sóng hiệu chỉnh E) trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh. Tuy nhiên, để kịch bản này xảy ra, chỉ số sẽ phải phá vỡ mức 970 điểm (ngưỡng fibonacci retracement 23,6%).
Làn sóng ETF tiếp tục tạo động lực tích cực cho thị trường
Cùng việc dòng tiền từ khối ngoại giải ngân mạnh, các quỹ ETFs đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận dòng tiền vào ròng rất tích cực trong tháng 12/2022, đạt gần 7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị vào ròng lũy kế năm 2022 lên hơn 25 nghìn tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận ở các quỹ ETFs ngoại.
Tính đến ngày 6/1, lượng tiền huy động trong đợt tăng vốn lần 4 của Fubon FTSE mới chỉ đạt 3.8 tỷ TWD, đồng nghĩa với dư địa còn 1,2 tỷ TWD để đạt mục tiêu 5 tỷ TWD. Do đó, trong thời gian tới, thị trường vẫn sẽ đón nhận dòng vốn giải ngân từ quỹ này.
Thêm vào đó, VanEck Vietnam ETF (VNM ETF) sẽ thay đổi chỉ số tham chiếu từ MVIS Vietnam Index sang MarketVector Vietnam Local Index, ngày chuyển đổi chỉ số cơ sở của VNM ETF sẽ có hiệu lực dự kiến vào 17/3. Với việc thay đổi chỉ số cơ sở, VNM ETF dự kiến cũng sẽ tăng tỷ trọng của Việt Nam lên 100% (thay vì 73,7% như hiện tại), tương đương với khoảng hơn 100 triệu USD sẽ đổ vào thị trường.
TPS cho rằng, làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp thị trường thu hút dòng vốn ngoại. Trong năm 2022, bên cạnh những cái tên quen thuộc, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều ETF mới cả nội và ngoại như CSOP FTSE Vietnam 30 ETF, DCVFM VNMidcap ETF, KIM GROWTH VNFINSELECT ETF, MAFM VNDIAMOND ETF, FCAP VNX50 ETF để đáp ứng nhu cầu đầu tư thụ động ngày càng tăng của nhà đầu tư.
Ngoài ra, sản phẩm DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF được phát hành tại thị trường chứng khoán Thái Lan qua hình thức DR cũng thu hút được dòng vốn đông đảo của thị trường này với khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng.