|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP.HCM 'xin' phà Vàm Cống về Cát Lái và Bình Khánh

21:30 | 20/05/2019
Chia sẻ
Ngay sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành, UBND TP.HCM đã đề xuất xin 2 phà lớn từ bến phà Vàm Cống (chuẩn bị ngưng hoạt động).
TP.HCM xin phà Vàm Cống về Cát Lái và Bình Khánh - Ảnh 1.

Người dân lưu thông qua phà Bình Khánh. KHẢ HÒA

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến phà của TP.HCM, UBND TP vừa kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT điều chuyển 2 phà 200 tấn từ bến phà Vàm Cống về hoạt động tại bến phà Cát Lái và bến phà Bình Khánh.

Động thái này của TP.HCM diễn ra ngay sau khi cầu Vàm Cống, cầu dây văng thứ hai vượt sông Hậu và là cây cầu dây văng thứ năm ở miền Tây thông xe sáng qua (19.5). Sau khi cầu khánh thành, Bộ GTVT dự kiến sẽ ngừng hoạt động bến phà Vàm Cống. Vì thế, một số phà tại đây sẽ được điều chuyển đi các bến khác để tiếp tục hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hai bến phà lớn đang hoạt động là phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ và bến phà Cát Lái nối quận 2 - huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Trong đó, bến Bình Khánh có 6 phà (2 phà 200 tấn và 4 phà 100 tấn); bến Cát Lái có 7 phà (2 phà 200 tấn và 5 phà 100 tấn). Dù đã hoạt động hết công suất nhưng do nhu cầu cao, 2 bến phà này thường xuyên ùn tắc, quá tải, đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết.

Việc điều chuyển các phà có tải trọng 200 tấn về Cát Lái và Bình Khánh được kỳ vọng sẽ gia tăng sức chở, giúp 2 phà lớn tại TP.HCM phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Hà Mai

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.