TP.HCM: Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư khiến dự án Metro bị chậm trễ
Một góc Quận 2 với tuyến đường xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang "khát vốn" cho đầu tư hạ tầng đô thị nhưng ngân sách Trung ương chỉ cấp phát hạn chế. Trong khi đó, việc giải ngân vốn của một số dự án diễn ra chậm.
Nơi thiếu, nơi giải ngân không hết
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 7 tháng năm 2017, thành phố giải ngân 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% ngân sách Nhà nước giao năm 2017.
Trong số này, vốn ngân sách Trung ương kế hoạch cấp 3.282 tỷ đồng, giải ngân được 22%; vốn ODA do Trung ương cấp phát theo kế hoạch là 4.034 tỷ đồng, giải ngân được tương đương 71,9%; vốn ngân sách thành phố kế hoạch giao 18.866 tỷ đồng, giải ngân được 50,5%.
Về cơ cấu giải ngân vốn, vốn Trung ương cấp để thành phố đầu tư bổ sung cho các dự án chống ngập, xây dựng 2 bệnh viện tuyến cuối và hoàn trả tiền thành phố tạm ứng cho Chương trình đầu tư Khu công nghệ cao.
Phần vốn từ ngân sách thành phố giải ngân không đồng đều ở từng nhóm lĩnh vực như cải cách hành chính, giải ngân được 51%; giảm ngập nước được 51%; chỉnh trang phát triển đô thị được 66%; ùn tắc giao thông được 51%; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giải ngân được 57%...
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn trong giải ngân ODA do Trung ương cấp phát là do tổng nhu cầu vốn ODA năm 2017 khoảng 7.700 tỷ đồng, trong khi Trung ương chỉ đáp ứng được 50%. Vì thế, thành phố khó triển khai và đưa các dự án vào khai thác sử dụng đúng thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi chậm.
Đại diện một số Ủy ban Nhân dân quận huyện cho biết vốn ngân sách thành phố giải ngân thấp do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa công bố đơn giá, một số chủ đầu tư chậm hoàn thành thủ tục lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn thiết kế.
Cụ thể, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương đi qua địa bàn nhiều quận, đến nay vẫn chưa thực hiện bởi chưa xác định được đơn giá bồi thường nên nguồn tiền tạm ứng để chi công tác giải phóng mặt bằng bị “ách” lại hoặc giải ngân chưa hết.
Trong khi việc giải ngân vốn ngân sách thành phố diễn ra chậm, một số dự án sử dụng vốn vay ODA lại trong tình trạng thiếu... tiền. Đơn cử như dự án tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên (tổng mức đầu tư sau điều chỉnh gần 2,5 tỷ USD) đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do Trung ương chậm cấp phát vốn ODA.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn ODA cho tuyến metro số 1 trong năm 2017 là 5.400 tỷ đồng, trong khi Trung ương cấp vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả nợ cho nhà thầu trong năm 2016 và một số tháng đầu năm 2017. Hiện nhà thầu thông báo giãn, ngưng tiến độ nếu không được thanh toán, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân vốn 7 tháng qua của thành phố đạt 50,5% là thấp. Trong khi đó, lãi suất ưu đãi của vốn ODA gần hết, một số dự án có vốn nhưng không giải ngân hết, gây lãng phí. Thành phố tính phương án huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và vốn từ đất đai với khoảng 22.000 tỷ đồng đề đầu tư hạ tầng giao thông.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố bố trí vốn cho 78 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng với kế hoạch vốn được giao là 1.900 tỷ đồng, đã giải ngân 45%. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn nói chung. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các chủ đầu tư chậm, kéo dài do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Cùng với đó, chất lượng đấu thầu chưa cao do năng lực chuyên môn thấp. Công tác lựa chọn nhà thầu, phân bổ dự phòng các gói thầu thiếu chuyên nghiệp dẫn đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải điều chỉnh nhiều lần. Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, chưa cập nhật kịp thời quy định về quản lý đầu tư công, kéo dài thời gian thẩm định và phê duyệt dự án.
Một số dự án hoàn thành từ nhiều năm trước, đầu năm 2017 ghi vốn nhưng chủ đầu tư chưa hoàn tất công tác quyết toán nên thiếu cơ sở giải ngân. Một số dự án khởi công mới, đang lập thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán, dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu thi công và giải ngân vốn trong các quý 2, 4 năm 2017 theo tiến độ.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở ngành, quận, huyện đến hết tháng 1/2018 phải giải ngân 100% vốn đầu tư năm 2017. Đối với vốn ngân sách Trung ương, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tiến độ thi công công trình.
Riêng vốn ODA dành cho tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên phát sinh dự toán khoảng 3.000 tỷ đồng, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố hoàn chỉnh hồ sơ để Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định lại, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
Đối với những địa phương có dự án giải ngân chậm, ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện phải có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và cam kết hoàn thành các thủ tục giải ngân ít nhất 90% từ nay đến cuối năm 2017.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các quận huyện chú trọng bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp và bổ sung vốn cho những dự án giải ngân cao, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm điều khoản ký kết trong hợp đồng và kiên quyết loại những nhà thầu không đủ năng lực.
Là trung tâm kinh tế của cả nước, giai đoạn 2006-2020, nhu cầu đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh lên đến 850.000 tỷ đồng; trong khi, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%, tỷ lệ giữ ngân sách giảm từ 23% xuống còn 18%.
Trong tình hình đó, việc xã hội hoá nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Thành phố đang triển khai thành lập Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ bù đắp tài chính (VGF) để hỗ trợ tài chính cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 nhằm huy động nguồn lực của xã hội phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội gắn với 7 chương trình đột phá của thành phố.
Việc lựa chọn một số dự án trọng điểm, kết nối với nhà đầu tư tiềm năng, tìm quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, phương án giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, xác định danh mục dự án hạ tầng trọng điểm được thực hiện theo hình thức PPP.
Metro Sài Gòn nợ như chúa chổm Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý ... |
Tập đoàn xây lắp Trung Quốc muốn đầu tư làm metro tại Việt Nam Tập đoàn Cát Châu Bá (Trung Quốc) mong muốn được đầu tư các dự án về đường cao tốc, đường sắt trên cao và tàu ... |
Các Bộ bất đồng quan điểm về tuyến metro số 2 Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Ban quản lý) vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến ... |