Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2022
Nhiều địa phương lại đề nghị giảm kế hoạch vốn
Bộ Tài chính cho biết, với mục tiêu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, việc đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm với việc thông qua các nghị quyết, công điện, nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tại Quyết định số 1126/QĐ-TTg ngày 26/9/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định điểu chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn nước ngoài là hơn 34.585 tỷ đồng, trong đó bộ, ngành gần 11.809 tỷ đồng, địa phương gần 22.776 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/11 đạt tỉ lệ 34,27% kế hoạch (hơn 11.852 tỷ đồng), trong đó của bộ, ngành đạt 38,38% (hơn 4.532 tỷ đồng) và của địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng đạt 26,06%, với 9.014,59 tỷ đồng (trong đó giải ngân của các bộ, ngành là hơn 4.154 tỷ đồng, đạt 35,17%, giải ngân của các địa phương là hơn 4.860 tỷ đồng, đạt 21,34%).
"Tỉ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng gần gấp 3 lần tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm (9,12% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng (đạt khoảng 60% kế hoạch)", đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho hay.
Đến thời điểm 30/11, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là hơn 3.678 tỷ đồng (số này không bao gồm hơn 250 tỷ đồng của Bộ TN&MT và 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm), 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là hơn 8.804 tỷ đồng
Đến 30/11 có 54 địa phương và 10 bộ có tỉ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó còn 6 bộ và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân 0%; có 3 bộ và 5 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đánh giá, tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022 là chậm. Do đó, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là rất lớn.
Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn nước ngoài trong thời gian tới.
Giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu
Bộ Tài chính phân tích: Tỉ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân, hoặc đã có khối lượng nhưng chưa được kiểm soát chi, hoặc đã kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn.
Trong đó, dự án chưa có khối lượng hoàn thành do các nguyên nhân, như: Chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp hiện hợp đồng với nhà thầu); dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án; ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở, dự án không triển khai được....
Nhóm nguyên nhân chậm làm các thủ tục giải ngân mặc dù dự án đã có khối lượng, đã có kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.
Dưới góc độ địa phương, đại diện tỉnh Thanh Hóa cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan. Đó là, công tác tổ chức thực hiện của nhiều chủ đầu tư, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, chưa xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc… Một số huyện chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác quản lý nhà nước về đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ; việc xác định nguồn gốc, diện tích, loại đất gặp nhiều khó khăn thiếu hồ sơ chứng minh. Một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế về năng lực, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, dẫn đến các dự án chậm tiến độ hoặc chất lượng chuẩn bị dự án chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Lãnh đạo Bộ Tài chính nêu các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do; trao đổi với nhà tài trợ để phối hợp với các chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân.
Bộ Tài chính cho rằng, quan trọng là phải thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân. Đối với các hoạt động dự án có khả năng hoàn thành: các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu, các cơ quan phê duyệt chuyên môn) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng, đảm bảo việc thực hiện thông suốt, khẩn trương nghiệm thu khối lượng và gửi hồ sơ đến cơ quan kiểm soát chi và tập hợp để giải ngân.
Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm đề hoàn thành khối lượng và giải ngân.
Đối với các hoạt động dự án vẫn đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, đấu thầu, các dự án đang trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa xong điều chỉnh hiệp định vay,... các chủ dự án báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất các thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022. Trường hợp có khả năng hoàn thành các thủ tục để đầu tư, cần tập trung dứt điểm để hoàn thành. Trường hợp không khả thi, đề nghị rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện và kế hoạch vốn trong năm 2023.
Đối với các cơ quan tổng hợp, thẩm định, phê duyệt: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt đối với các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ.
Về khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính cho rằng: Cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA.
Bộ Xây dựng, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt để có căn cứ áp dụng, thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đề nghị không cho phép kéo dài kế hoạch vốn 2022, trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí đủ kế hoạch vốn 2023 để thực hiện dự án.
"Bộ Tài chính cam kết tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ để xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; đồng thời sẽ chỉ đạo các đơn vị toàn ngành tài chính chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và nguồn vay nước ngoài nói riêng.
Từng bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm, giải quyết khó khăn vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư công nói chung, giải ngân vốn vay nước ngoài nói riêng năm 2022 ở mức cao nhất, tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục hồi phục, phát triển bền vững", Thứ trưởng Võ Thành Hưng nói.