TPHCM mong muốn được tạo điều kiện thử nghiệm máy bay không người lái
Tạo điều kiện thử nghiệm sản phẩm mới
Sáng 16-7, tại TPHCM, UBND TPHCM và Bộ TT-TT tổ chức sơ kết chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại Hội nghị sơ kết hợp tác giữa UBND TPHCM và Bộ TT-TT. Ảnh: VIỆT DŨNG
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức thông tin tóm tắt về chương trình hợp tác của 2 bên. Trong đó, Sở TT-TT và Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT-TT) đã rà soát, xử lý mã độc hệ thống công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố.
Qua đó, hơn 510 máy tính có nhiễm mã độc đã được bóc gỡ mã độc. Cùng đó là việc hợp tác đào tạo, phát triển mã nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng.
Đặc biệt UBND TPHCM đã giao Sở TT-TT triển khai thử nghiệm dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ 5 (5G). Dự kiến trong tháng 9-2019, Chi nhánh Viettel TPHCM thử nghiệm 5G (10 vị trí) tại quận 10; Trung tâm mạng lưới Mobifone miền Nam triển khai thử nghiệm 5G (12 vị trí) tại quận 1 và một phần khu đô thị mới tại quận 7…
Theo ông Dương Anh Đức, nhiều công việc được 2 bên phối hợp triển khai trong 6 tháng đầu năm và đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, một số công việc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ nét như: phối hợp triển khai thử nghiệm các giải pháp cho đô thị thông minh, ứng dụng internet vạn vật (IoT), thử nghiệm 5…
Ông Đức cũng thông tin một số đầu việc tập trung trong thời gian tới; đồng thời kiến nghị Bộ TT-TT giải quyết một số vướng mắc của TPHCM trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin - truyền thông.
“Đa số sản phẩm xuất xưởng từ các công ty tại Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung”, ông Dương Anh Đức thông tin và bày tỏ, để các sản phẩm mới nhanh chóng được hoàn thiện, việc rút ngắn thời gian đưa ra sản phẩm ra thị trường rất cần tạo điều kiện thuận lợi để các công ty có thử nghiệm sản phẩm.
Vì vậy, UBND TPHCM kiến nghị Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với TPHCM ban hành chương trình thử nghiệm sản phẩm mới trong giai đoạn 2019-2020 tại Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Danh mục các sản phẩm thuộc lĩnh vực máy bay không người lái, xe không người lái, xử lý rác hữu cơ, trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra đánh giá sức khỏe, kiểm soát giao thông thông minh…
Phát triển TPHCM thành trung tâm AI của khu vực
Tại hội nghị, thay mặt UBND TPHCM, Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức cũng báo cáo tóm tắt về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM.
Ông Đức khẳng định, lãnh đạo TPHCM đánh giá là AI yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng TPHCM nhanh chóng trở thành đô thị thông minh.
TPHCM đã giao Sở TT-TT, Sở KH-CN phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM và các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực AI nghiên cứu, xây dựng chương trình “Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2025”, trình thẩm định và ban hành trong năm 2019.
Một số ứng dụng AI đã được triển khai tại TPHCM, phục vụ quản lý, điều khiển tự động hóa vào lĩnh vự như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục. Một số ứng dụng phổ biến là camera điều khiển nhận dạng khuôn mặt, giám sát quản lý đối tượng; ứng dụng smart home cho các tòa nhà, cao ốc ăn phòng.
“Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty VinSmart, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động sản xuất các thiết bị điện tử thông minh và nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)”, ông Đức thông tin.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) ứng dụng robot, công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh; TPBank ứng dụng trang bị các LiveBanking để khách hàng thực hiện mọi giao dịch thông qua máy tự động và kết nối với nhân viên từ xa nếu có những giao dịch chuyển khoản hoặc rút tiền với số lượng lớn.
Công ty FPT phát triển ứng dụng Chatbot ứng dụng AI, để doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng thông qua những cuộc đối thoại tự nhiên…
Trong khởi nghiệp, hiện TPHCM có trên 800 dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin thì có 600 dự án liên quan đến AI.
“TPHCM sẽ tập trung nguồn lực phát triển AI nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai; đến năm 2025, TPHCM thành trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI”, ông Dương Anh Đức khẳng định.
Cùng đó, TPHCM xác định đẩy mạnh ứng dụng AI triển khai đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong tất cả các ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông...
Hiện nay, TPHCM đang trong giai đoạn đầu tiên nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện cho ứng dụng, phát triển AI. Trong đó, TPHCM đã tổ chức hội thảo (lần 1) với chủ đề về ứng dụng AI tại TPHCM; tổ chức đoàn đại biểu cấp cao TPHCM thăm và làm việc tại Hà Lan, Đức tham khảo kinh nghiệm về AI…
TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo quốc tế lần 2 về AI, tập trung vào chiến lược phát triển hoặc kế hoạch phát triển AI dài hạn của những quốc gia (Mỹ, Nga, Đức, Hàn Quốc) để nhận ra mục tiêu, nguyên tắc, giải pháp cơ bản và những khác biệt trong cách tiếp cận, giải pháp của các nước.
Từ đó chọn lọc, xác định các mục tiêu cơ bản trong phát triển AI trong 10 năm tới ở Việt Nam và TPHCM. Đồng thời, đề xuất chính sách cần thiết của Việt Nam cho AI và các lĩnh vực liên quan làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.
Tuy vậy, ông Dương Anh Đức khẳng định, TPHCM cũng đặt tham vọng từng bước làm chủ, cải tiến công nghệ AI nền tảng, trước tiên tập trung vào các hệ thống dự báo trên nền tảng dữ liệu lớn, ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh.
Sau đó sẽ phát triển AI theo hướng ứng dụng cho các lĩnh vực trọng yếu như y tế, giao thông, an ninh, doanh nghiệp, quốc phòng trên cơ sở các kinh nghiệm của giai đoạn trước.
Khi có đủ nhân lực, công nghệ và nền tảng AI (dự kiến sau năm 2030), TPHCM sẽ bước vào giai đoạn sáng tạo công nghệ và tự do sáng tạo theo định hướng phát triển của đất nước.