|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sếp VNPT, Viettel, CMC, FPT, DTT, VietnamPost tham gia tổ giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chính phủ điện tử

16:55 | 28/05/2019
Chia sẻ
Trong 18 thành viên của nhóm giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn mạng thuộc Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, có tới 6 thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp ICT gồm DTT, Viettel, VNPT, FPT, CMC và VietnamPost.
Sếp VNPT, Viettel, CMC, FPT, DTT, VietnamPost tham gia tổ giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty DTT Nguyễn Thế Trung, việc Ủy ban, tổ công tác về CNTT, Chính phủ điện tử có sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp CNTT là điều phù hợp với xu hướng và đặc biệt phù hợp với tính chất của ngành CNTT, một ngành thay đổi liên tục mà các công ty có điều kiện cập nhật hơn so với công chức (Ảnh minh họa: Internet)

Quyết định 384 phê duyệt Danh sách các nhóm, thành viên, chuyên gia của Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (gọi tắt là Tổ công tác) đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành mới đây.

Theo quyết định này, bên cạnh danh sách 9 chuyên gia của Tổ công tác, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh sách các thành viên của 2 nhóm thuộc Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử là nhóm thể chế và cải cách hành chính; nhóm giải pháp, công nghệ và an ninh, an toàn thông tin.

Gồm có 15 thành viên, nhóm thể chế và cải cách hành chính có Trưởng nhóm là ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; và 2 Phó Trưởng nhóm là các ông: Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT.

Với nhóm giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin, Trưởng nhóm là Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Phó Trưởng nhóm thường trực là Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan; 2 Phó Trưởng nhóm là Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT Nguyễn Thành Phúc và Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung.

Đáng chú ý, ngoài Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty DTT Nguyễn Thế Trung tham gia với vai trò Phó Trưởng nhóm, nhóm công tác này còn có 5 thành viên là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lĩnh vực ngành ICT, đó là các ông: Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Viettel; Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT; Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC; Nguyễn Quốc Vinh, thành viên HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost); Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS).

Trước đó, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập hồi tháng 8/2018 cũng đã có sự góp mặt của những người đứng đầu 4 doanh nghiệp lớn là quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng; Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng; Chủ tịch HĐTV VietnamPost Phạm Anh Tuấn và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình.

Ngoài ra, thời gian qua, một số Bộ, địa phương khi thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của Bộ, ngành, địa phương mình đã mời lãnh đạo doanh nghiệp tham gia. Đơn cử như, Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT có sự góp mặt của 3 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam, đó là các ông: Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT; Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Business Solutions) thuộc Tập đoàn Viettel; Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần MISA.

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty DTT cho hay, việc các thành viên là lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào các tổ tư vấn, công tác của Chính phủ không phải là mới trong rất nhiều ngành khác. Và trong các tổ tư vấn của Thủ tướng đều xuất hiện doanh nhân. Gần đây nhất, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng có các thành viên là doanh nhân.

"Vì thế, tôi nghĩ Ủy ban, Tổ công tác về Chính phủ điện tử, CNTT có sự tham gia của các lãnh đạo doanh nghiệp CNTT là điều phù hợp với xu hướng và đặc biệt phù hợp với tính chất của ngành CNTT, một ngành thay đổi liên tục mà các công ty có điều kiện cập nhật hơn so với công chức. Từ góc độ một doanh nghiệp, tôi thấy việc này rất đáng mừng, thứ nhất nó thể hiện tinh thần cởi mở của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, Chính quyền. Thứ hai, nó cho thấy ngành CNTT đã được quan tâm đúng tầm mức. Thứ ba, điều này cũng thể hiện các doanh nghiệp ngành CNTT không chỉ lo kiếm tiền mà còn sẵn sàng cống hiến như tinh thần mà Bộ trưởng Bộ TT&TT đã kêu gọi", ông Trung nêu quan điểm.

Bàn về lợi ích của việc có các thành viên là lãnh đạo doanh nghiệp tham gia Ủy ban, Ban chỉ đạo, tổ công tác về CNTT và Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu Công ty DTT phân tích, Chính phủ và Ủy ban cần có thông tin và sáng kiến đúng đắn để phát triển, nếu các thành viên làm được việc này thì là lợi ích rõ ràng nhất. Đối với doanh nghiệp thì khó hơn một chút, đôi khi rất dễ bị sa vào lợi ích của doanh nghiệp mình nên để giữ được khách quan sẽ luôn đòi hỏi sự cẩn trọng trong các hoạt động.

Ông Trung chia sẻ thêm: "Cá nhân tôi, khi tham gia việc này đã xung phong không ký hợp đồng giữa DTT với Văn phòng Chính phủ trong bất cứ công việc gì để giữ sự trong sáng khách quan, đây cũng là một thiệt thòi nếu chỉ nhìn ngắn hạn, tuy nhiên dài hạn hơn thì tôi tin "nước lên thì thuyền lên" nên Công ty chúng tôi sẽ không bị thiệt mà vinh dự hơn, đóng góp được nhiều hơn. Các doanh nghiệp khác do đặc thù các anh chị ấy không cam kết như tôi, nhưng tôi tin trong tâm trí thì ai cũng mong muốn được đóng góp khách quan, trong sáng với sự nghiệp Chính phủ điện tử của cả nước. Những suy nghĩ này sẽ giúp các công ty khi phát triển, triển khai các sản phẩm sẽ đúng đắn hơn, phục vụ người dùng tốt hơn và vì thế Chính phủ cũng được lợi hơn".

Vân Anh