|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TPBank thu lãi hơn 900 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư trong quý III

12:19 | 23/10/2021
Chia sẻ
TPBank ghi nhận lãi lớn hơn 1.400 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm, riêng trong quý III mảng này đã mang về hơn 900 tỷ đồng lãi thuần.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 4.393 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ, bằng 75,76% kế hoạch cả năm.

Trong đó, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của ngân hàng đạt gần 7.136 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ.

Các khoản thu nhập ngoài lãi luỹ kế 9 tháng của TPBank cũng tăng mạnh 67% lên hơn 2.770 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ chứng khoán đầu tư với 1.462 tỷ đồng (tăng 152,4% so với cùng kỳ). Riêng trong quý III khoản lãi này là 913 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.

Cùng với đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong ba quý đầu năm của ngân hàng tăng đến 83,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất. 

Đáng chú ý, riêng trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng lên 1.345 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng cũng tăng 98,8% lên gần 2.349 tỷ đồng.

... - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của TPBank. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp từ BCTC).

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 26,2% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 10,8% lên 133.002 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước (1.906 tỷ đồng)

Trước đó, báo cáo của BVSC cho biết tăng trưởng tín dụng trong ba quý đầu năm của ngân hàng đạt 15%. "Riêng trong quý III, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 11,6%, cao hơn 7,2% so với mức toàn ngành, nhờ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 19,7% so với đầu năm lên mức 13.500 tỷ đồng," BVSC cho biết.

Trong 9 tháng đầu năm, tiền gửi của khách hàng đạt 1351,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm. Theo BVSC, tiền gửi không kỳ hạn của TPBank tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay ở 21,6% so với 18,4% trong quý II và 19,4% cuối năm 2020.

Đáng chú ý, ngân hàng vẫn tích cực phát hành giấy tờ có giá trong kỳ, nâng số dư lên 31.500 tỷ đồng, tăng 10,1% so với quý trước và tăng 14,9% so với đầu năm.

... - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của TPBank. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu của TPBank tính đến cuối tháng 9/2021 là 1.378 tỷ đồng,  giảm 3% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,18% xuống còn 1,04%.

Báo cáo của BVSC cho biết TPBank đã xóa được 2.000 tỷ nợ xấu trong quý III, nâng tổng mức xóa nợ 9 tháng lên 2.665 tỷ đồng, tạo cơ hội cho ngân hàng ghi nhận thu nhập từ hoàn nhập khi nền kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức khá 115,4% vào cuối quý III so với 144,8% trong quý II và 134,2% vào cuối năm 2020.

... - Ảnh 3.

Nguồn: BVSC.

Phương Nga

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.