|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TPBank rót 40 tỉ đồng mua cổ phần công ty chứng khoán liên quan đến vụ án Huyền Như

17:08 | 03/10/2019
Chia sẻ
TPBank dự định mua 4 triệu cổ phiếu của Chứng khoán Tiên Phong, công ty đã bị huỷ niêm yết vào tháng 4 do lỗ luỹ kế ba năm liên tiếp sau thiệt hại hàng trăm tỉ đồng từ vụ án lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như.

TPBank muốn sở hữu 9,09% vốn của Chứng khoán Tiên Phong

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) đã chính thức thông qua việc mua 4 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS), tương đương 10% vốn điều lệ trước phát hành trong đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu của công ty này.

Với giá mua là 10.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu mà TPBank dự kiến mua vào là 40 tỉ đồng. Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quí IV/2019.

Theo giới thiệu trên website, TPS chính thức gia nhập hệ sinh thái của TPBank  từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, hiện TPBank không nắm giữ bất kì cổ phần nào tại đây, vì vậy nếu giao dịch thành công, ngân hàng sẽ sở hữu 9,09% vốn điều lệ sau đợt phát hành của công ty chứng khoán này.

TPBank rót 40 tỉ đồng mua cổ phần Công ty Chứng khoán liên quan đến vụ án Huyền Như - Ảnh 1.

Logo TPBank và TPS (Nguồn: QT)

Công ty Chứng khoán Tiên Phong có tiền thân là CTCP Chứng khoán Phương Đông, được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 60 tỉ đồng. Công ty được chính thức đổi tên từ ngày 18/4/2019 với vốn điều lệ là 400 tỉ đồng.

Đáng chú ý, chỉ một tuần sau khi đổi tên, TPS đã đổi logo với bộ thương hiệu tím cam đặc trưng của TPBank đồng thời bầu ông Đỗ Anh Tú (thành viên HĐQT) giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021. 

Được biết, ông Đỗ Anh Tú hiện nay đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPBank, Tổng giám đốc CTCP Diana Unicharm, ông là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank.

TPS bị thiệt hại nặng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

CTCP Chứng khoán Phương Đông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư và lưu kí chứng khoán.

Năm 2007, công ty chính thức được công nhận là thành viên chính thức của Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM - HSX) và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX).

Công ty đã niêm yết cổ phiếu trên HNX từ năm 2010 và đã bị hủy niêm yết vào ngày 10/4/2019 do lợi nhuận sau thuế âm 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018). Ngày 17/4, công ty đã chuyển sang giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị đăng kí giao dịch 240 tỉ đồng với mã chứng khoán ORS.

Công ty Chứng khoán Phương Đông được biết đến là một trong những đơn vị bị thiệt hại 380 tỉ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), chiếm đoạt hơn 4.000 tỉ đồng.

Theo phán quyết của toà án, bà Huỳnh Thị Huyền Như có nghĩa vụ phải bồi thường cho ORS, hiện khoản mục này vẫn nằm trong các khoản phải thu của công ty. Để bù đặt cho khoản thiệt hại này, công ty đã phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng từ Quĩ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ và trích lập dự phòng 378,9 tỉ đồng.

Giải trình với HNX về nguyên nhân thua lỗ ba năm liên tiếp, Chứng khoán Phương Đông cho biết thông tin tiêu cực của vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đã khiến thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến giao dịch khách hàng của ORS ngày càng giảm, tác động trực tiếp đến hoạt động môi giới, làm giảm doanh thu và lợi nhuận.

Tại đại hội cổ đông bất thường vào tháng 1, ORS đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ tái cơ cấu công ty để xóa lỗ lũy kế trong 3 năm trước (230 tỉ đồng).

Vào tháng 3, công ty đã phát hành riêng lẻ thành công 16 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông lớn là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, mỗi người mua 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, nâng vốn điều lệ của công ty từ 240 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng.

Theo thông tin trên website của TPS, hiện công ty có 4 cổ đông lớn đều là cá nhân với tổng sở hữu hơn 21,7 triệu cổ phiếu, chiếm 54,37% vốn điều lệ của công ty.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của TPS

tps

Nguồn: TPS

Mới đây, ngày 17/9, TPS đã được Ủy ban Chứng khoán đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, đồng thời được khôi phục hoạt động giao dịch môi giới chứng khoán trên hai sàn HSX và HNX.

Sau 3 năm lỗ liên tiếp, hoạt động của TPS đã có bước khởi sắc trong nửa đầu năm 2019. Theo báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế TPS đạt gần 4,9 tỉ đồng (trong khi cùng kì 2018 lỗ hơn 10 tỉ đồng). Tổng tài sản tính đến ngày 30/6 đạt gần 233 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần so với cuối năm 2018. 

Quốc Thụy