|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM: Tìm giải pháp thu hút dự án công nghệ cao vào khu chế xuất, khu công nghiệp

16:09 | 22/10/2017
Chia sẻ
Trải qua 25 năm thành lập và phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM đã thu hút được tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho gần 290.000 lao động. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút được nhiều dự án công nghệ cao vào các KCX, KCN lại đang là vấn đề loay hoay của thành phố khi tìm giải pháp.
tp hcm tim giai phap thu hut du an cong nghe cao vao khu che xuat khu cong nghiep
TP HCM: Tìm giải pháp thu hút dự án công nghệ cao vào khu chế xuất, khu công nghiệp

Nguồn vốn đầu tư lớn

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban quản lý KCX-KCN TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có 17 KCX, KCN đang hoạt động với tổng diện tích 2.571,64 ha. Số dự án đầu tư còn hiệu lực là 1.371 dự án với tổng vốn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động. Sản phẩm công nghiệp hoạt động trong các KCX-KCN chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 605,81 triệu USD, đạt 121,16% kế hoạch năm 2017, tăng 70,76% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đầu tư FDI đạt 339,44 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trong nước đạt 5.923,5 tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Với những kết quả đã đạt được, đến nay các KCX-KCN trên địa bàn thành phố đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo kim ngạch xuất khẩu cho thành phố; Thực hiện có kết quả thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài; Giải quyết việc làm cho người lao động của thành phố và các tỉnh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, chuyển những vùng đất đầm lầy, năng suất lao động nông nghiệp thấp thành vùng công nghiệp, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần tăng thu cho ngân sách thành phố. Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” tại Ban quản lý đã giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, tạo điều kiện cho DN phát triển và mô hình này đã được nhân rộng áp dụng cho các Ban quản lý KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Dự án công nghệ cao chiếm tỉ lệ thấp

Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN TP.HCM đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, kết quả chưa có đột phá mạnh mẽ, chưa thu hút được dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, có tính chất lan tỏa.

Theo ông Nguyễn Văn Kích, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP.HCM vốn là đơn vị dẫn đầu về phát triển KCX- KCN trong một thời gian dài, nhưng những năm gần đây vai trò đầu tàu trong phát triển KCX-KCN có xu hướng giảm. KCX-KCN thành phố hiện tại chưa có đến 10 DN có giấy chứng nhận công nghệ cao. Tỷ lệ công nghệ cao của các KCX-KCN vẫn ở mức thấp khoảng 10%. So với cả nước chỉ chiếm 5,1% về số lượng và 2,4% về diện tích.

Trong khi đó, toàn tỉnh Bình Dương đã có 36 KCN với tổng diện tích trên 10.200 ha, chiếm 10,5% về số lượng và 11,3% diện tích KCN của cả nước. Tại 32 KCN Đồng Nai hiện có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.510 dự án, trong đó có 1.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 21 tỷ USD và 410 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng.

Theo đó, để phát triển KCX, KCN một cách bền vững, trở thành động lực phát triển công nghiệp thành phố, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần hoàn thiện hơn nữa chính sách thu hút đầu tư vào KCX – KCN, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng giá trị cao thay vì khả năng lấp đầy như hiện nay.

Để thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 6-8 tỷ USD (giai đoạn 2016 – 2025) và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cách mạng công nghệ 4.0 và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao, thành phố cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho rằng, để có một định hướng phát triển KCX - KCN TP.HCM đến năm 2025 và 2050 (không chỉ đến 2030) cần định vị lại chức năng của Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM với quyền hạn đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ mới mở ra một thời kỳ, tạo động lực phát triển mới cho thành phố trên nền tảng các KCX - KCN hiện nay. Đối với các công ty hạ tầng không chỉ lo chuyện lấp đầy KCN, thu phí mặt bằng mà phải tham gia vào việc thúc đẩy sự đổi mới công nghệ đối với các xí nghiệp hiện có; thúc đẩy phát triển KCN theo hướng phát triển cụm ngành phù hợp với năng lực chuyên ngành của các xí nghiệp và mối quan hệ thị trường.

“Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng thêm các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuế đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất. Ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt là các chính sách giảm thuế Thu nhập cá nhân cho người làm việc trong khu công nghệ cao nên được áp dụng để kích thích nguồn nhân lực tham gia vào ngành”, đại diện lãnh đạo Công ty CP Viễn thông FPT nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, quỹ đất của thành phố có giới hạn, vì vậy cần hạn chế những ngành giá trị gia tăng thấp, vì vậy Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM cần cơ cấu sắp xếp lại DN. Trong tương lai chỉ giữ những ngành công nghệ cao và dịch vụ, giảm bớt những ngành thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Hạ tầng kỹ thuật đô thị còn nhiều thách thức nên cần di dời các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường ra vùng quy hoạch ở ngoại thành, gắn với đổi mới công nghệ và xử lý chất thải.

Một số dự án lớn trọng điểm trong năm 2017 như: Dự án đầu tư của CJ Cầu Tre (Hàn Quốc) để xây dựng một tổ hợp chế biến thực phẩm từ thịt và thủy sản tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tổng vốn đầu tư khoảng 53,3 triệu USD trên diện tích 7,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà máy chế biến thực phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại… Giai đoạn một của dự án có công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất giày, phụ liệu ngành giày với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD tại KCN Tân Tạo. Dự án Công ty TNHH Việt Nam PAIHO tại KCN Tân Tạo với tổng vốn đầu tư 34 triệu USD.
tp hcm tim giai phap thu hut du an cong nghe cao vao khu che xuat khu cong nghiep Gỡ 'nút thắt' để cách mạng nông nghiệp 4.0 đi vào thực tế

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp 4.0 là áp dụng công nghệ mới, khoa học hiện đại, máy móc thay tay chân của con ...

Nguyễn Thu