TP HCM: Siêu thị, chợ giảm giá kích cầu mua sắm Tết
Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định
Ngày 7/2, ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại một số siêu thị như: Co.opmart Lý Thường Kiệt (Quận 10), Co.opmart Lê Văn Việt (thành phố Thủ Đức), Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Aeon… giá cả hầu hết các mặt hàng đều ổn định. Các siêu thị tập trung đầu tư cho việc giảm giá để chia sẻ với người dân trong tình hình khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, sức mua tăng dần từ 15 - 20% theo từng tuần kinh doanh phục vụ Tết. Từ nay đến hết ngày 9/2, tức đến 30 Tết là thời gian cao điểm mua sắm Tết của người dân nên các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… tập trung nguồn lực, liên tục đưa hàng Tết lên quầy kệ kinh doanh, "bơm" mạnh khuyến mãi vào các mặt hàng Tết như: Bánh chưng, bánh tét, dưa hành muối, trái cây trưng bày mâm ngũ quả, mâm cỗ gia tiên…
Saigon Co.op dự trữ nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết từ sớm với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng. Riêng nhóm hàng lương thực thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
"Để đáp ứng nhu cầu mua sắm trễ của bà con, Saigon Co.op cũng đã tăng giờ hoạt động trên hệ thống từ 6 giờ sáng đến 22 giờ, đồng thời tập trung các nguồn lực để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm từ 9 giờ -11 giờ sáng và 16 giờ - 20 giờ", ông Nguyễn Anh Đức nói.
Tương tự, tại hệ thống bán lẻ Satra (Satramart và Satrafoods), tổng trị giá hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Thìn 2024 trên 550 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2023.
Để đảm bảo việc mua sắm hàng đúng chất lượng, hàng hóa cung ứng cho thị trường được sàng lọc chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa...
Trong đó, Satra dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, sức mua tăng cao ở nhóm thực phẩm tươi sống, các loại thịt, bia, nước giải khát…
Trong khi đó, sức mua tại chợ truyền thống được ghi nhận tăng trở lại nhưng vẫn chậm hơn so với siêu thị. Ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, hiện nay lượng khách đến chợ đông nhưng sức mua không bằng năm trước.
Giá cả hàng hóa tại chợ ổn định và đơn vị chưa nghe phản ánh tình trạng đẩy giá, giá cao bất thường trong những ngày giáp Tết. "Hiện nay, chợ mở cửa đến 21 giờ mỗi ngày cho khách hàng tham quan, mua sắm. Về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, Ban quản lý chợ tập trung kiểm tra chứng từ, nguồn gốc và yêu cầu tiểu thương niêm yết đúng giá", ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành cho hay.
Thống kê tại 3 chợ đầu mối và 220 chợ truyền thống khác trên địa bàn, ngành công thương TP Hồ Chí Minh dự kiến thời điếm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Bình thường, lượng nông sản cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ công Thương đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, cung ứng hàng Tết tại siêu thị và chợ truyền thống. Hàng Tết năm nay tại TP Hồ Chí Minh rất phong phú, chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng… phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng. Hàng sẵn có, người tiêu dùng có thể mua về để sử dụng ngay, không mất quá nhiều công sức để chế biến.
Theo Bộ Công Thương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng đã được triển khai từ rất sớm. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường.
Trong đó, TP Hà Nội đã chuẩn bị khoảng 40.900 tỉ đồng hàng Tết, tăng khoảng 10% so với Tết 2023. Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng hàng Tết, trong đó hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Mở cửa xuyên đêm, xuyên Tết
Hiện nay, một số siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố TP Hồ Chí Minh như GO!, Big C+, WinMart và VinMart, Coopmart, LotteMart… đã có thông báo phục vụ 24/24 để đảm bảo nhu cầu mua sắm hàng Tết của người dân.
Cụ thể, hệ thống siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc, thời gian này sẽ mở cửa từ 7 giờ - 23 giờ hằng ngày, siêu thị chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 Tết, hệ thống hoạt động bình thường, mở cửa từ 8 - 22 giờ. Tại hệ thống siêu thị WinCommerce (gồm WinMart và WinMart+) sẽ mở cửa đến 12 giờ ngày 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết. Từ nay đến ngày 29 Tết, hệ thống này tăng giờ phục vụ lên 23 giờ...
Để phục vụ mùa mua sắm cao điểm, trong giai đoạn cận Tết, siêu thị AEON cho biết sẽ kéo dài thời gian hoạt động đến 22h30 và nghỉ Tết vào ngày 9/2 (30 Tết). Trong ngày 10/2/2024 (mồng 1 Tết), siêu thị AEON sẽ mở cửa hoạt động từ 11-12 giờ.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, cho biết: "Thực hiện theo chỉ đạo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, MM Mega Market tổ chức bán hàng 24/24 từ ngày 2 đến 8/2 (23 đến 29 Tết) tại 4 siêu thị, gồm MM Mega Market An Phú, MM Mega Market Bình Phú (quận 6), MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12) và MM Mega Market Thăng Long (Hà Nội). Siêu thị cũng tăng cường nhân viên từ văn phòng xuống tất cả các kho siêu thị để hỗ trợ các khâu, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng".
Đặc biệt, dịp này MM Mega Market đã trang bị 4 quầy thanh toán tự động tại MM Mega Market An Phú để khách hàng trải nghiệm việc tự quẹt mã QR, tự in hóa đơn và thanh toán đơn hàng. "Trong những ngày gần đây, có khoảng 700 - 800 khách trải nghiệm dịch vụ thanh toán tự động mỗi ngày, tăng gấp đôi so với ngày thường.
Tính đến ngày 5/2 (26 Tết), doanh thu hệ thống MM Mega Market đã tăng 4,6% so với cùng thời điểm Tết năm 2023. Lượng khách tăng 10,7% trong khi doanh số thấp hơn cùng kỳ đến 5,5%, cho thấy người tiêu dùng đang tiết kiệm chi tiêu, chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu.
Bà Phan Thị Thắng cho biết, hiện nay sức mua hàng hóa những ngày cận Tết đang tăng, nguồn cung hàng hóa Tết cũng dồi dào và giá cả cũng khá ổn định để người dân yên tâm sắm Tết. Đặc biệt, các mặt hàng bình ổn đảm bảo tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị đều tìm cách thu hút khác hàng và tạo sự thuận tiện trong giao dịch khi có nhiều chương trình khuyến mại "khủng" và chiết khấu phối hợp với đối tác khi khách hàng mua hàng qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt...