|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM sẽ có 16 tuyến vành đai, cao tốc, đường sắt đô thị

09:30 | 15/04/2022
Chia sẻ
Trong tương lai, mạng lưới giao thông TP HCM gồm 3 tuyến đường vành đai, 5 tuyến đường cao tốc, 8 tuyến đường sắt đô thị và 5 đường bộ trên cao.

Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022, ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở GTVT TP HCM đã có báo cáo tổng quan về hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Theo ông Lâm, TP HCM có ba tuyến đường vành đai. Trong đó, vành đai 2 tới đây sẽ được khép kín; vành đai vành đai 3 kết nối TP HCM với Bình Dương, Đồng Nai; vành đai 4 kết nối thành phố với Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.

Sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 đón 25 triệu hành khách/năm năm 2025. Như vậy trong tương lai, gồm cả Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vành đai 3, 4 sẽ được triển khai theo kế hoạch mà thành phố thực hiện.

Cùng với các tuyến đường vành đai, TP HCM có 5 tuyến đường cao tốc kết nối vành đai, quốc lộ của các tỉnh.

Trong đó có hai tuyến đã đi vào khai thác, một tuyến triển khai năm 2023 và hai tuyến còn lại tập trung triển khai trong đó 1 tuyến đi qua Củ Chi về Tây Ninh, cửa khẩu sẽ được triển khai đầu tư và hoàn thành trong giai đoạn sớm.

Như vậy các tuyến đường cao tốc cũng như vành đai của TP HCM đã có kế hoạch triển khai cụ thể và hoàn thành trong thời gian tới.

(Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Về phía giao thông nội đô, TP HCM là 1 trong những thành phố có quy hoạch rất sớm. Hiện thành phố đầu tư 5 tuyến đường bộ trên cao, kết nối giao thông, các trung tâm với chợ đầu mối, các tuyến đường vành đai...

Thành phố còn có các tuyến đường sắt trên cao gồm TP HCM đi Nha Trang, TP HCM đi Cần Thơ, TP đi Tây Ninh, TP đi Sân bay Long Thành.

Bên cạnh tuyến đường sắt quốc gia, địa phương còn có 8 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 250 km. Hiện nay thành phố đang tập trung triển khai.

Tuyến metro số 1 phấn đầu hoàn thành cơ bản đưa vào khai thác năm 2023. Tuyến số 2 cũng sẽ sớm được triển khai.

Bên cạnh đường bộ, đường sắt, địa phương có hệ thống đường thủy, hàng hải rất lớn, dài gần 900 km. Trong đó, đường thủy dài khoảng 500 km với hệ thống cảng lớn.

Riêng với Huyện Hóc Môn và Củ Chi, ông Lâm cho biết, đây là hai địa bàn lớn về quy hoạch phát triển thành phố.

Ở đây có tuyến đường vành đai 3, 4 đi ngang qua kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Campuchia...

Bên cạnh hệ thống vành đai, cao tốc, trên địa bàn Củ Chi trong tương lai sẽ có hai tuyến đường sắt đi qua Tây Ninh và tuyến đường sắt đi Cần Thơ.

Các tuyến đường sắt số 2 sẽ kéo dài, tạo sự kết nối thuận lợi trong chiến lược phát triển của thành phố trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021 - 2025 của TP HCM là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỷ đồng và vốn khác như TW, ODA, PPP,… là 315.290 tỷ đồng) và giai đoạn 2026 - 2030 là 437.125 tỷ đồng.

Đồng thời, vị lãnh đạo cho biết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TP phê duyệt.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước với nhiều dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.

Đơn cử như: Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Nhật Minh