|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM: Người thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm

11:45 | 14/10/2023
Chia sẻ
Bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ, người có thu nhập thấp tại TP HCM có thể vay mua nhà ở xã hội theo chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM với lãi suất thấp hơn.

(Ảnh minh họa).

Theo nguồn tin từ TTXVN, ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM, cho biết chủ đầu tư và người mua nhà được vay vốn theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ có lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân tại các ngân hàng thương mại. Tính đến hiện tại, TP HCM có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn, trong đó có 3 dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ nói trên, Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM và Quỹ Phát triển nhà TP HCM đang triển khai các chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp hưởng lương từ ngân sách. Người dân có nhu cầu liên hệ đến hai đơn vị trên để được hướng dẫn cụ thể.

Đối với chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM, mức cho vay tối đa là 70% dự toán xây dựng, sửa chữa nhà và không vượt quá 500 triệu đồng. Lãi suất do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ, riêng năm 2022 là 4,8%/năm. Thời gian vay tối đa 25 năm kể từ khi giải ngân khoản vay đầu tiên.

Với chương trình của Quỹ Phát triển nhà TP HCM, người dân đáp ứng điều kiện được vay tối đa 70% giá trị căn nhà nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ, lãi suất 4,7%/năm và thời gian vay tối đa 20 năm.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP HCM đặt mục tiêu đạt 93.000 căn nhà ở xã hội vào 2030. Tính đến năm 2023, TP có khoảng 15.000 căn tại 19 dự án. 

Hồng Vịnh

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.