|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM muốn 'trở lại' thành trung tâm tài chính

16:48 | 17/07/2019
Chia sẻ
Xây dựng một thị trường tài chính luôn là chính sách quan trọng của Chính phủ, tuy nhiên sau gần 20 năm ấp ủ, đến nay TP. HCM mới bắt đầu lại kế hoạch này, yếu tố nào đã cản trở TP xây dựng trung tâm tài chính trong nhiều năm qua?
TP.HCM muốn trở lại thành trung tâm tài chính - Ảnh 1.

Các chuyên gia, lãnh đạo ban ngành TP.HCM trao đổi hoàn thiện dự án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính - Ảnh: N.BÌNH

Đây là câu hỏi được Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Đại học Fulbright, đặt ra tại hội thảo "Xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17-7.

Nên là trung tâm tài chính hàng hóa hay fintech?

Theo ông Tự Anh, TP.HCM hoàn toàn có những điều kiện, bệ đỡ trở thành một trung tâm tài chính như tuy chỉ chiếm 9,36% dân số và 0,6% diện tích, nhưng thành phố đóng góp 14% xuất khẩu, tạo ra 24% GDP cả nước, 27% số thu ngân sách, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước….

Những con số này cho thấy TP.HCM đang có một vị thế kinh tế nổi trội, chắc chắn để có thể trở thành một trung tâm tài chính.

Tuy nhiên, ông Tự Anh cho biết hiện tại, TP.HCM vẫn chưa có tên trong bảng xếp hàng trung tâm tài chính khu vực năm 2019, quy còn rất nhỏ so với các trung tâm.

Trong khi đó, cũng theo ông Tự Anh, Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia có 7 trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, một phần nhờ quy mô kinh tế, phần nhờ phát triển được thị trường ngách.

Theo ông Tự Anh, trong lần "trở lại" lần này, TPHCM cần có sự thay đổi trong tiếp cận, cần nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như thế, mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới.

Với các lợi thế của TP.HCM đang có, ông Vũ Thành Tự Anh gợi ý TP.HCM có thể phát triển theo trung tâm tài chính hàng hoá hoặc thị trường tài chính - công nghệ (Fintech).

Ông Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn Chính phủ - cho biết chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính đã có gần 20 năm trước, và chính ông Lịch là người chắp bút cho đề án đầu tiên của thành phố về phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP.HCM đến năm 2010, tầm nhìn 2020.

Các kế hoạch này đi liền với quy hoạch trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

"Nhưng tới nay, TP.HCM vẫn chưa làm được. Liệu TP.HCM còn đóng vai trò đầu tàu trong phát triển thị trường tài chính cả nước, khẳng định vị thế quốc tế trong dài hạn hay không?", ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Ông Lịch cho biết ở tầm khu vực TP.HCM là cửa ngõ, nơi từ đây có đường bay chỉ mất khoảng 1-2 giờ để đến các trung tâm tài chính, thủ đô của các nước ASEAN. Không có lí do gì, TP.HCM không phải là trung tâm đặt văn phòng của các tập đoàn quốc tế, nếu có một hệ sinh thái ở đó.

"Nhưng tại thiên chưa đủ mà còn phải "mưu sự tại nhân", để TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương, vì các quy định về thể chế, chính sách được ban hành từ Trung ương", ông Lịch nói.

Không muốn lỡ thêm cơ hội

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng trung tâm tài chính phải thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia. Muốn vậy, có thể TPHCM phải chấp nhận từ bỏ những lợi ích trước mắt để đạt được những lợi ích lớn hơn trong tương lai.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM đã lỡ cơ hội xây dựng trung tâm tài chính nhiều năm trước, bây giờ là lúc quyết tâm làm bởi sẽ khó có cơ hội lần nữa.

Theo ông Nhân, xây dựng một trung tâm tài chính ở TP.HCM trước hết là vì mục tiêu phát triển của cả nước, sau đó còn giải quyết nhu cầu bức thiết của khu vực phía Nam, nơi đang đóng góp 45% GDP kinh tế cả nước.

"Xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM vừa giải quyết nhu cầu này vừa còn là thời cơ", bí thư Nhân nhấn mạnh.

Ông Nhân cũng đưa ra lộ trình: ít nhất trong tháng 10 tới đây, TP.HCM phải xong đề án chi tiết xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM, trả lời được tính khả thi, có nên làm hay không để báo cáo Hội đồng Nhân dân.

Trên cơ sở đó, TP hoàn thiện cơ cấu hạ tầng, "phần cứng" của dự án và đến tháng 6-2020 có thể bắt tay vào xây dựng toà nhà trung tâm tài chính mới ở Thủ Thiêm, khởi nguồn cho một trung tâm tài chính mới. Cuối năm 2019, sẽ báo cáo thủ tướng về dự án, xin cơ chế đặc thù.

Trung tâm tài chính TP.HCM sẽ như thế nào?

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, trung tâm tài chính kinh tế được hiểu là một không gian đô thị, tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hang, các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng.

Đặc biệt phạm vi hoạt động phải vượt ra khỏi quy mô quốc gia, tuân theo các chuẩn mực quốc tế.

Khái niệm này hoàn toàn khác với hình dung với suy nghĩ truyền thống là trung tâm tài chính là những toà nhà tài chính, mà đó là một không gian đô thị, hệ sinh thái.

Trung tâm tài chính mới này phải đáp ứng ba khía cạnh quan trọng của thị trường gồm cung, cầu và sản phẩm dịch vụ.

"Trong số đó, phạm vi hoạt động luân chuyển vốn phải vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Muốn vậy phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế", ông Tự Anh nhấn mạnh.

Trước đó, UBND TP đã giao Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP phối hợp với Trường Fulbright tổ chức khảo sát một số trung tâm tài chính trên thế giới để xây dựng Đề án phát triển TP.HCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế phù hợp với điều kiện của TP.

N.Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.