|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM có hạ tầng viễn thông tương đương New York khi phủ sóng 5G

17:04 | 16/07/2019
Chia sẻ
Tại buổi sơ kết về chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019-2020 với UBND TP HCM vào ngày 16-7, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chậm nhất đến năm 2022, TP HCM cần phủ sóng 5G toàn bộ TP.

Lúc đó, TP HCM có hệ thống hạ tầng viễn thông tương đương New York.

tp hcm

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hợp tác giữa Bộ TT-TT và UBND TPHCM, ngày 16-7-2019. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Buổi sơ kết diễn ra tại TPHCM. Đoàn Bộ TT-TT gồm lãnh đạo Bộ TT-TT, lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ TT-TT, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, dẫn đầu.

Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo một số sở - ngành.

Hình thành vùng lõi phát triển của TP HCM

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TT-TT đối với TPHCM và đã ký chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông với TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để phát triển, một mặt TP HCM phải bám sát đường lối, chủ trương chính sách chung; đồng thời, trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể phải có sự phối hợp, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển.

Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, trong bối cảnh cả nước tập trung, tạo sự đột phá thì TP HCM rất cần sự hỗ trợ từ Bộ TT-TT, từ đó góp phần vào sự đột phá chung của cả nước.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển công nghệ thông tin của TP HCM và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ TT-TT.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM đang tập trung triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, nhằm đạt được 4 mục tiêu: phát triển nhanh và bền vững, nhất là về kinh tế; người dân được cung cấp các dịch vụ toàn diện tốt hơn; chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn; và người dân cùng tham gia quá trình quản lý. 

TPHCM đang triển khai 5 công cụ cấp thành phố để thực hiện các mục tiêu trên, gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; thành lập trung tâm mô phỏng và dự báo; thành lập trung tâm điều hành; trung tâm an toàn an ninh mạng và chính quyền điện tử.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TP HCM mong muốn Bộ TT-TT thực hiện các công việc này thông qua việc hỗ trợ TPHCM xác định những dữ liệu chia sẻ công khai (cùng mức độ chia sẻ); hỗ trợ TPHCM trong việc mô phỏng, dự báo để có chiến lược, giải pháp tối ưu trong công tác quản lý, để không phải giải quyết sự vụ và không bị “giật mình” trước các tình huống phát sinh (trên tất cả các lĩnh vực, kể cả kẹt xe, ngập nước).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh về kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM (gồm các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của TPHCM.

“Đối với cả nước, TPHCM chiếm 10% dân số nhưng đóng góp khoảng 25% GDP cả nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng và cho biết, TPHCM có thể được xem là “vùng lõi” trong phát triển kinh tế của cả nước.

Cũng vì vậy, TPHCM phải xác định “vùng lõi” cho mình để kéo kinh tế thành phố phát triển, là khu đô thị sáng tạo. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích và 10% dân số chiếm của cả TPHCM nhưng được dự báo sẽ đóng góp 30% GDP cho TPHCM.

Đồng chí khẳng định, TP HCM xác định nơi đây là khu vực tương tác cao trong lĩnh vực nghiên cứu đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), ứng dụng công nghệ cao cao nhất (Khu Công nghệ cao), khu đô thị hiện đại nhất (khu đô thị mới Thủ Thiêm) với Trung tâm Tài chính được hình thành trong tương lai.

TP HCM đang đặt đầu bài trong công tác quy hoạch, hình thành sự tương tác cao giữa các lĩnh vực đã nêu, từ đó hình thành vùng động lực phát triển của cả TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện mong muốn Bộ TT-TT hỗ trợ để TPHCM thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), theo đồng chí Bí thư Thành ủy TP HCM, đây là vấn đề mới mẻ đối với TP HCM. Song, TPHCM nhận thấy, nếu không khởi động, bắt nhịp kịp thì sẽ bị lạc hậu và khi đó, việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng gặp nhiều khó khăn.

Đi vào cụ thể, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý UBND TP HCM “đặt hàng” với Bộ TT-TT cùng với các doanh nghiệp về việc xây dựng chiến lược số hóa dữ liệu cho TP HCM đến năm 2025. Trước hết là việc số hóa những dữ liệu chưa được số hóa; đồng thời số hóa những dữ liệu phát sinh hàng ngày, từ công tác quản lý, điều hành.

“Trên cơ sở tăng tốc số hóa các sở dữ liệu, TPHCM sẽ có điều kiện thực hiện tốt những nhiệm vụ khác”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và đề nghị Bộ TT-TT hỗ trợ TP HCM thực hiện công việc này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng hoan nghênh ý tưởng của Bộ TT-TT “đặt hàng” TP HCM nghiên cứu về AI. Đồng chí cam kết, TP HCM sẵn sàng tham gia công việc này và đề nghị Bộ TT-TT, UBND TP HCM xây dựng danh mục các loại công việc ưu tiên ứng dụng AI, nhằm tăng năng suất lao động. Đối với TP HCM, đến tháng 9-2019, UBND TP HCM công bố danh mục TP HCM đặt hàng để ứng dụng AI, để giải quyết công việc của TP HCM.

TP HCM có hạ tầng viễn thông tương đương New York khi phủ sóng 5G - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị sơ kết hợp tác giữa Bộ TT-TT và UBND TPHCM, ngày 16-7-2019. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội nghị,  Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT-TT ủng hộ chủ trương lớn của TP HCM, xác định dùng công nghệ, nhất là công nghệ mới, để thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển và giải quyết các bài toán, các vấn đề của thành phố.

“Bộ TT-TT sẽ cử một nhóm làm việc chuyên trách vào TPHCM, phối hợp với TP HCM chặt chẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Để xây dựng TP HCM thông minh, chính quyền điện tử, theo Bộ trưởng Bộ TT-T, TP HCM cần có kế hoạch thực hiện mục tiêu tới năm 2021 hoặc chậm nhất đến năm 2022, 100% người dân TPHCM phải dùng smartphone và 100% hộ gia đình ở TPHCM phải tiếp cận Internet…

“Phải có các kết quả này, chính quyền cung cấp dịch vụ công tới người dân mọi lúc mọi nơi”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

Đồng thời, trong chiến lược phát triển, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, tới năm 2020, TPHCM cần phủ sóng 5G được tới các khu công nghiệp, các khu nghiên cứu, các trường đại học...

“Chậm nhất đến năm 2022, TPHCM cần phủ sóng 5G toàn bộ TP. Như vậy, TPHCM sẽ tương đương New York về hạ tầng viễn thông” - Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT. 

Nhấn mạnh “đặc sản” của TPHCM là sự phát triển của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT-TT đặt hàng TPHCM tận dụng tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp và ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và thông tin (ICT).

Đồng chí dẫn chứng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT ở TPHCM chiếm khoảng 50% cả nước. Vì vậy, TPHCM cần lưu ý đến kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam tại TPHCM.

“Đây là chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển TPHCM”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét và đề nghị TPHCM cần đi đầu trong thử nghiệm tất cả công nghệ mới.

Lệch pha giữa thủ tục với phát triển công nghệ

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nêu sự lệch pha giữa tốc độ phát triển công nghệ với thủ tục đầu tư.

Theo đó, công nghệ có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng thủ tục đầu tư công lại khác xa. Do đó, thủ tục đầu tư cần nhanh gọn, trao quyền cho địa phương, còn nếu làm theo thủ tục hiện nay, cán bộ, công chức lo lắng, bởi "làm không đúng luật thì lo, làm đúng luật thì rất trễ".

TPHCM mong muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực; phát triển AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu, điều hành... Vì thế, TPHCM cần có quy chế vận hành, quản lý các trung tâm trên và rất cần Bộ TT-TT hỗ trợ.


Kiều Phong - Mạnh Hòa