|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM lấy ý kiến về việc xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Thủ Thiêm

17:54 | 01/07/2019
Chia sẻ
UBND TP HCM cho biết Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị lớn, giao lưu văn hóa, thể hiện TP HCM là một trung tâm văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
avatar_1561977505700

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Q.1. Dự kiến Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ là điểm nhấn, là trung tâm của khu đô thị. Ảnh: Ngọc Dương

UBND TP HCM vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lấy ý kiến các nội dung liên quan việc triển khai xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).

Công văn cho hay từ sau năm 1975 đến nay, TP HCM chưa có công trình mang tầm cỡ thành phố và có ý nghĩa chính trị quan trọng, một công trình văn hóa gắn liền với sự phát triển của thành phố.

Do đó được sự thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, hiện TP HCM đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để có không gian công cộng tổ chức các sự kiện chính trị lớn, giao lưu văn hóa và tạo một diện mạo mới của thành phố trong thế kỉ XXI với hình ảnh một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Quảng trường và công viên bờ sông có diện tích khoảng 27 ha, có quy mô phục vụ tối đa là 430.000 người; phục vụ trong dịp lễ hội chính trị tối đa khoảng 230.000 người.

Hiện tại, quảng trường ở Thủ Thiêm có thiết kế quy hoạch tốt nhưng chưa rõ chủ đề và thông điệp văn hóa lịch sử chính trị. Cho nên cần phải lựa chọn một chủ đề cụ thể mang tính điểm nhấn làm cơ sơ để thiết kế chi tiết. Ngoài ra không gian trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiẽm cần có một chủ đề và tên gọi phù hợp để tạo dấu ấn văn hóa đồng thời mang ý nghĩa chính trị.

TP HCM lấy ý kiến về việc xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Thủ Thiêm - Ảnh 2.

Sơ đồ bố trí một số hạng mục gắn với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vị trí số 1 trong sơ đồ là cột cờ Tổ quốc (khu A), vị trí số 2 là nhà sàn, ao cá Bác Hồ, vườn cây lưu niệm 3 miền (khu B) Đình Quân chụp lại sơ đồ

Với vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP HCM đề xuất quảng trường được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quảng trường Hồ Chí Minh”. Quảng trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là không gian gợi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cộng sản lỗi lạc của phong trào công nhân quốc tế mà TP HCM được mang tên Người.

Cận cảnh pháo hoa bên hầm Thủ Thiêm đêm 30.4

Đây là nơi để mọi người dân TP.HCM, nhân dân miền Nam được bày tỏ tình cảm của mình đối với Bác Hồ. Quảng trường mang tên Bác còn là nơi cho người dân thành phố, nhân dân miền Nam đến đây thăm viếng, sống lại với những ký ức về Người, qua đó góp phần nuôi dưỡng, giáo dục xây dựng thế hệ tương lai của thành phố và đất nước.

Theo đề xuất thiết kế, quảng trường sẽ có các hạng mục mang dấu ấn, tưởng niệm về Bác: Cột cờ Tổ quốc, Nhà sàn Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ.

Cột cờ Tổ quốc sẽ được đặt tại vị trí trung tâm của Khu A, có chiều cao 30,4 m (mang ý nghĩa ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tương đồng chiều cao 25 mcủa cột cờ Quảng trường Ba Đình - Hà Nội).

Cơ sở, ý nghĩa của việc xây dựng Nhà sàn và Ao cá Bác Hồ là tạo ra các không gian gợi nhớ về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hạng mục này tái hiện lại những ký ức, kỷ niệm về Bác Hồ. Nhà sàn, Ao cá Bác Hồ sẽ được đặt tại Khu tưởng niệm B và cùng kết hợp Khu vườn cây lưu niệm ba miền. Tổng diện tích các hạng mục này khoảng 20.000 m.

UBND TP HCM cho hay quá trình chuẩn bị để xây dựng quảng trường được nghiên cứu hơn một năm qua, thông qua việc lấy ý kiến các nguyên lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, Hội đồng quy hoạch – kiến trúc thành phố, HĐND TP HCM và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Đồng thời, UBND TP HCM nhận được sự góp ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ủng hộ phương án mà UBND TP HCM đưa ra. Tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý TP HCM cần có giải pháp phù hợp để tuyển chọn phương án quy hoạch - kiến trúc quảng trường, cột cờ, công viên cho xứng tầm là công trình văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của thành phố mang tên Bác cho hôm nay và mai sau.

Đối với việc xây dựng nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá Bác Hồ, hiện TP HCM đã có khu trưng bày lưu niệm về Bác ở Bến nhà Rồng nên cần cân nhắc và xin ý kiến Ban Bí thư, Bộ Chính trị về chủ trương.

UBND TP HCM kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí lịch họp ngày 5.7 để UBND TP HCM báo cáo chi tiết hơn.

Cột cờ Tổ quốc là biểu tượng trung tâm của quảng trường

Công văn của UBND TP HCM cho hay ban đầu có hai phương án làm điểm nhấn cho khu vực trung tâm quảng trường: Xây dựng tượng Bác và cột cờ Tổ quốc.

Qua quá trình phân tích, phương án xây dựng tượng Bác gặp một số khó khăn như: Tượng Bác nếu đặt tại trung tâm của quảng trường cần có kích thước đủ lớn và phải có bệ cao để phù hợp với tổng thể không gian của quảng trường. Trong trường hợp tượng Bác quá lớn, khi đứng gần quan sát không tạo được cảm giác gần gũi. Đồng thời việc chọn vị trí đặt tượng cũng gặp một số khó khăn như việc quay lưng tượng bác về hướng Q.1 và Q.4 hay về phía quảng trường hoặc về 2 bên của quảng trường đều không hợp lý.

Chưa kể về công tác thiết kế và duyệt thiết kế tượng Bác sẽ tốn nhiều thòi gian, việc bảo quản tượng phức tạp nếu làm bằng đồng. Vì vậy trước mắt TP HCM không chọn phương án đặt tượng Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh mà chọn cột cờ Tổ quốc là biểu tượng trung tâm.

Yêu cầu về thiết kế cột cờ Tổ quốc phải có kích thước đủ lớn, tầm vóc tương thích quy mô quảng trường và cột cờ phải có vị trí đặc biệt về cảnh quan đối với khu vực Q.1, Q.4. Thiết kế bệ cờ phản ánh sự kiện thống nhất đất nước và thành phố được mang tên Bác. Tuy nhiên cột cờ không nên quá cao vì sẽ khó chụp ảnh, ghi hình. Vị trí cột cờ cần thoáng đãng trên nền trời và mang tính kết nối, nghĩa là có thể nhìn thấy từ nhiều hướng, từ các không gian công cộng của hai bên bờ sông.

Đình Quân