|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM khơi thông cho những dự án ách tắc kéo dài

00:47 | 12/05/2021
Chia sẻ
Tại buổi họp triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 do UBND TP HCM tổ chức chiều 11/5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để thành phố thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng trên địa bàn để từ đó khơi thông cho nhiều dự án ách tắc kéo dài.

Tăng trưởng khá

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, chống dịch COVID-19 hiệu quả và duy trì phát triển kinh tế; trong đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Một số ngành tăng trưởng khá như thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%,  dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi tăng 26,3%; giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao đạt 6,47 tỷ USD, tăng 27,1%... Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố có 5.588 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95,18% so với cùng kỳ.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 4/2021 đạt 2.927.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với cuối năm 2020; trong đó, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động chiếm 89%. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19.

Về hoạt động thu ngân sách, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thu nội địa gần 101.493 tỷ đồng, đạt 39,51% dự toán, tăng 14,47% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 35,93% dự toán, tăng 19,38% so với cùng kỳ. 

Như vậy, mỗi ngày thành phố thu được 1.798 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với năm 2020.

Trong khi đó, theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, kết qủa thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2021 là tiền đề để ngành thuế triển khai các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu thuế cho cả năm 2021. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2021 thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, gia hạn 15.000 tỷ đồng tiền thuế cho 56.000 tổ chức, cá nhân; trong đó, có 34.000 doanh ngiệp.

Thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”

Về giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, trong tháng 5/2021, thành phố tiếp tục tập trung quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần đề cao cảnh giác không lơi lỏng, không chủ quan, lơ là. 

Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh; triển khai kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích hỗ trợ để hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.

Định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian sắp tới, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, kết hợp giữa “phòng ngự” và “tấn công”; trong đó, “tấn công” là chính.

Thành phố cũng tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ, tái lập lại các chốt kiểm soát và khai báo y tế tại các cửa ngõ thành phố. Sở Y tế chuẩn bị phương án phòng chống khi có dịch bệnh lan rộng, nâng tổng công suất toàn thành phố lên 10.000 giường. 

Đồng thời, xây dựng thêm bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường; dự trữ đầy đủ sinh phẩm đảm bảo công thức xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê, Viện Nghiên cứu phát triển và Sở Thông tin Truyền thông để có giải pháp ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả mô hình thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ để thích hợp với việc phòng chống dịch hiện nay.

Trong khi đó, để khơi thông nhiều dự án ách tắc kéo dài, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu để thành phố thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án còn tồn đọng trên địa bàn. 

Qua đó, hệ thống hoá các dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục, tập trung giải quyết theo từng nhóm, từng lĩnh vực trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Nếu dự án nào vướng mắc từ cơ quan Trung ương thì thành phố hệ thống lại và đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ.

“Sự chậm trễ của cơ quan hành chính thành phố sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp vay ngân hàng và trả lãi mỗi ngày. Hàng tuần, Chủ tịch UBND thành phố tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại, bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục kéo dài, làm ách tắc dự án. Vì thế, cần rút ngắn con đường giữa lời nói và việc làm. 

Nếu để doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, phiền hà thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, cần thiết cắt thi đua”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trần Xuân Tình