|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM gấp rút thực hiện hàng loạt dự án ngàn tỉ

10:44 | 04/02/2020
Chia sẻ
Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được TP HCM gấp rút triển khai, hứa hẹn giải tỏa ùn tắc, tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, năm 2020 được xem là mốc thời gian quan trọng, mục tiêu hoàn thành nhiều công trình xóa điểm nghẽn trước mắt cũng như gấp rút thực hiện các thủ tục để kiến nghị đẩy nhanh nhiều dự án lớn mang tính chiến lược.

Ưu tiên giải tỏa "điểm nóng"

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, năm 2020, các "điểm nóng" như sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2) sẽ khởi công hàng loạt dự án.

Cụ thể, ở khu vực sân bay sẽ mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, tuyến Trường Chinh đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Phạm Văn Bạch, đặc biệt là sẽ đẩy nhanh các thủ tục sớm phê duyệt, triển khai việc giải phóng mặt bằng dự án song hành đường Cộng Hòa để phục vụ xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ở khu vực cảng Cát Lái, sẽ tập trung triển khai nhiều dự án quanh cảng như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường Vành đai 2 (Võ Chí Công) đến nút giao đường 990. 

Đồng thời, tiếp tục giai đoạn 2 nút giao Mỹ Thủy cùng việc mở rộng đường Đồng Văn Cống. Song song đó là sớm xây dựng nút giao An Phú, đoạn đầu từ đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... 

Một dự án quan trọng khác cũng được khởi công là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), xóa điểm kẹt xe, tai nạn tại khu vực này.

TP HCM gấp rút thực hiện hàng loạt dự án ngàn tỉ - Ảnh 1.

Bến xe Miền Đông mới dự kiến khánh thành vào dịp 30-4-2020 với kỳ vọng giải tỏa tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, nhất là xung quanh khu vực bến xe hiện hữu tại quận Bình Thạnh. Ảnh: Hoàng Triều

Một trong nhiều công trình được kỳ vọng năm 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác là cầu Thủ Thiêm 2 - bắc qua sông Sài Gòn - nối trung tâm TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây được xem là một trong những công trình giải tỏa ùn tắc cho khu Đông. 

Trước đó, dự án động thổ đầu năm 2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng phía quận 1, dự án nhiều lần lỗi hẹn. 

Hiện nay, chính quyền TP HCM đang tích cực làm việc cùng Bộ Tư lệnh Hải quân (Bộ Quốc phòng) để nhận bàn giao mặt bằng từ Tổng Công ty Ba Son. 

Đơn vị thi công cho biết nếu mặt bằng được bàn giao đúng hẹn, cầu có thể được hợp long vào lễ Quốc khánh 2-9 và hoàn thành vào cuối năm nay.

Một dự án đặc biệt quan trọng khác là Bến xe Miền Đông mới (quận 9), đây là bến xe lớn nhất nước khi có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm. 

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỉ đồng, khởi công tháng 4-2017, ngoài việc tăng năng lực phục vụ hành khách, bến xe này cũng sẽ giải tỏa tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, nhất là xung quanh khu vực bến xe hiện hữu tại quận Bình Thạnh. 

Chủ đầu tư dự án - Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - TNHH MTV - cho biết nếu giải quyết được các thủ tục pháp lý còn thiếu, bến xe dự kiến khánh thành vào dịp 30-4 này. 

Theo Sở GTVT TP HCM, nhiều phương án trong việc đầu tư hạ tầng xung quanh đã được đưa ra, đồng thời hệ thống xe buýt kết nối cũng đang được hình thành nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại khi bến xe đưa vào khai thác.

Một dự án khác cũng được kỳ vọng trong năm nay là hầm chui An Sương (nhánh N2, phía huyện Hóc Môn). Nhánh hầm này đưa vào khai thác sẽ tạo thành nút giao 3 tầng, xóa "điểm đen" kẹt xe và tai nạn ở cửa ngõ phía Tây Bắc TP. 

Công trình này trước đó vướng nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ. 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, nhánh N2 dự án nút giao An Sương dự kiến hoàn thành tháng 6-2020, sẽ giúp giảm giao cắt, xung đột giữa các hướng lưu thông, đồng thời tạo diện mạo mới cho giao thông khu vực phía Bắc TP.

Đẩy nhanh khép kín vành đai

Có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tầm chiến lược nên dự án đường Vành đai 2 và 3 tại TP HCM đang gấp rút hoàn thành các thủ tục cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Theo ông Trần Quang Lâm, với tuyến đường Vành đai 2, TP sẽ được ưu tiên thực hiện và quyết tâm khép kín từ nay đến năm 2025. Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 có chiều dài hơn 64 km, quy mô từ 6-10 làn xe. 

Tuy nhiên, tuyến đường này hiện vẫn dở dang bởi còn khoảng 11 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, hiện chỉ đoạn 3 - từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài khoảng 2,7 km - đang thi công. 

Dù vậy, tính từ thời điểm khởi công vào tháng 12-2017 đến cuối năm 2019, tổng khối lượng xây lắp của đoạn này mới đạt khoảng 42%, trong khi công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư... cũng bị hàng loạt vướng mắc. 

Riêng 3 đoạn còn lại, hiện vẫn ngổn ngang và UBND TP đã chỉ đạo lập, thông qua chủ trương đầu tư công, sử dụng ngân sách để gấp rút đầu tư.

TP HCM gấp rút thực hiện hàng loạt dự án ngàn tỉ - Ảnh 2.

Đoạn 3 dự án đường Vành đai 2 - từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài khoảng 2,7 km - hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công Ảnh: Giang Anh

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết sau khi hoàn chỉnh công tác điều chỉnh quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thẩm định, tham mưu UBND TP trình Thành ủy, HĐND TP thông qua. Việc này dự kiến thực hiện trong quý I, II/2020. 

Riêng đoạn 4 (từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) cũng được TP chủ trương thực hiện đầu tư công, sử dụng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Riêng dự án Vành đai 3, trước yêu cầu cấp bách, các công tác chuẩn bị bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án này qua địa bàn TP đang được khẩn trương triển khai. 

Tuy nhiên, để đồng bộ và liền mạch, dự án này đặc biệt cần sự hỗ trợ của trung ương và các địa phương liên quan để đẩy nhanh. Tuyến đường này theo quy hoạch có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km làm mới. 

Dự án đi qua địa phận TP HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tuy nhiên hiện chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (dài 16,3 km), trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương) đã được đầu tư và khai thác, những đoạn qua TP HCM đang gấp rút hoàn thành thủ tục đầu tư.

"Đây là những dự án đặc biệt quan trọng, dù chậm tiến độ nhưng thật đáng chờ đợi bởi nếu nhanh chóng hoàn thành sẽ giải quyết hàng loạt điểm nghẽn cho TP HCM. 

Không chỉ giảm tình trạng kẹt xe mà còn thay đổi cả bộ mặt kinh tế - xã hội cho TP cùng nhiều tỉnh, thành lân cận" - ông Nguyễn Thế Trường, cán bộ về hưu (ngụ quận 7), chia sẻ. 

Tại TP HCM, hiện triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư hơn 78.000 tỉ đồng.

"Mở bung cửa" bằng cao tốc

Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và tăng sự kết nối, TP HCM cần sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ trung ương cùng các bộ - ngành liên quan.

Trong giai đoạn hiện nay, việc cấp bách là cần đẩy nhanh các tuyến cao tốc theo quy hoạch.

Theo ông Trần Quang Lâm, tại TP HCM hiện chỉ có 2 đường cao tốc, gồm TP HCM - Trung Lương và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, song cả 2 đều trong tình trạng quá tải.

Ngoài sự cấp bách trong việc mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm, kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) sắp đưa vào khai thác thì một dự án đặc biệt quan trọng khác là cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 22 - vốn đang "độc đạo" nối TP HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Dự án khi hoàn thành còn gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho cả khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, tỉnh Tây Ninh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ được tập trung thực hiện đưa vào khai thác trước năm 2025. Trong đó, UBND TP HCM chịu trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý và vận hành.

Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư 10.688 tỉ đồng, chiều dài 53,5 km, nối từ đường Vành đai 3 (TP HCM) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh).

Dự án này thực hiện theo hình thức BOT, có sự hỗ trợ của nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách và vốn vay ODA).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Gia Minh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.