TP HCM dừng tất cả dự án BT đang đàm phán
Tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội sáng 30/10, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu tạm dừng các dự án BT đang thảo luận đàm phán để chờ quy trình mới, trừ các dự án đã có chỉ đạo của Chính phủ.
"Sở Kế hoạch Đầu tư làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng, chậm lại chút để sau này dễ dàng trong quản lý mà vẫn đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư", ông Phong nói và cho biết trong tuần này sẽ có hội thảo về quản lý các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên địa bàn.
Theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, hội thảo này sẽ đánh giá quy trình, đề xuất giải pháp quản lý các dự án, tránh trường hợp "lợn cợn" chuyện bị tác động bởi các yếu tố khác. Quy trình làm dự án BT phải đảm bảo khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai và tài sản Nhà nước.
Đường Phạm Văn Đồng - đường nội đô đẹp nhất TP HCM, tổng số vốn đầu tư 495 triệu USD - là dự án đầu tiên tại Việt Nam do đơn vị nước ngoài thực hiện theo hình thức BT. Ảnh: Hữu Công.
"Khi thực hiện các dự án này phải hết sức công khai, minh bạch, đảm bảo các quy định nhưng cũng phải thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư", ông Phong nhắc nhở.
Sở Kế hoạch - Đầu tư được yêu cầu mời đầy đủ thành phần, chuyên gia góp ý hình thành quy trình, sau đó báo cáo với Thành ủy.
Nói rõ thêm, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đề nghị "các đơn vị không được tham mưu, đề xuất gì liên quan đến các dự án BT nữa, kể cả nghiên cứu tiền khả thi".
Trong bối cảnh ngân sách TP HCM hạn hẹp, BT từng được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng, giao thông cho đô thị lớn nhất cả nước. Hình thức mà thành phố thường sử dụng là đổi đất lấy hạ tầng, tức là dùng một khu đất "sạch" để đổi lấy dự án hạ tầng mà nhà đầu tư đã xây dựng.
TP HCM từng triển khai hàng loạt dự án hạ tầng, giao thông theo hình thức này, trong đó nhiều dự án có vốn lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành như: cầu Sài Gòn 2 (gần 1.500 tỷ đồng), đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng, 495 triệu USD), đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (hơn 1.440 tỷ đồng)...
Một số dự án đang thi công như xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm (12.000 tỷ đồng) do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ đồng), cầu Thủ Thiêm 2 (3.100 tỷ đồng)…
Theo các chuyên gia giao thông, dự án BT nếu thực hiện đúng cũng là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng, nhất là khi ngân sách hạn hẹp, quỹ đất của địa phương còn dư.
Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa.
BT cũng bị cho là thiếu tính công khai dẫn đến các thông tin cần thiết về chủ trương, các dự án, lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi để kêu gọi đa dạng các thành phần kinh tế tham gia; hạn chế số lượng các nhà đầu tư tiềm năng, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/