|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đề xuất nắn đường vành đai 4 tiết kiệm 4.000 tỷ đồng

10:42 | 19/02/2023
Chia sẻ
TP HCM kiến nghị chọn phương án nắn chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía Nam 1.300 m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Hướng tuyến tránh xa các đường hiện hữu nên số hộ dân di dời ít nhất.

Sở GTVT TP HCM vừa có đề xuất chỉnh hướng tuyến để vành đai 4 đoạn qua TP HCM. Theo đó, Sở này đang cùng các sở ban ngành TP HCM đđánh giá các phương án về hướng tuyến dự án cao tốc vành đai 4 TP HCM, trong đó thống nhất bổ sung các phương án hướng tuyến mới.

Có ba phương án được đề xuất nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý để lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Phương án hướng tuyến 1: Thực hiện theo hướng tuyến quy hoạch, đi trùng đường Bàu Lách, đường Nguyễn Thị Rành, đường Trung Viết, đường Cao Thị Bèo,... qua huyện Củ Chi.

Trên thực tế, đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7 km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1 km ở huyện Củ Chi có nhiều nhà cửa, công trình.

Tuy phương án có diện tích giải phóng mặt bằng thấp nhất nhưng số hộ dân giải tỏa lại nhiều nhất. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án cũng cao nhất, gần 17.792 tỷ đồng. Do tuyến vành đai đi qua đường hiện hữu nên khi triển khai thi công sẽ rất khó khăn về tổ chức giao thông.

Phương án hướng tuyến 2 là nắn chỉnh một đoạn 9,7 km về phía nam 0 - 160m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn tiếp 3,7 km nắn về phía nam 0 - 120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu và đoạn còn lại trùng tim quy hoạch.

Phương án tránh được đường hiện hữu, tránh được khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư khi làm phương án 2 khoảng 13.803 tỷ đồng.

Phương án 3, sẽ nắn chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía Nam 1.300 m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Hướng tuyến tránh xa các đường hiện hữu nên số hộ dân di dời ít nhất.

Tuyến cắt ngang qua khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng. Trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu, Sở GTVT TP HCM chọn phương án 3 bởi hướng tuyến thẳng nhất, chiều dài con đường ngắn nhất.

Chi phí đầu tư khoảng 13.631 tỷ đồng, thấp nhất so với các phương án còn lại và đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Như vậy, theo Sở GTVT, so về chi phí đầu tư, phương án 3 khi làm sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỷ đồng so với phương án 1. Phương án 3 cũng chỉ di dời 481 căn nhà và công trình, trong khi phương án 1 có 1.150 trường hợp, phương án 2 có 486 trường hợp.

Nguyễn Lê (tổng hợp)