Hà Nội 19 °C | 03:05AM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM dành 4 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói giải pháp chuyển đổi số

10:28 | 25/09/2020
Chia sẻ
Theo chương trình chuyển đổi số của HUBA, bước đầu sẽ hỗ trợ miễn phí 6 tháng đầu tiên cho 300 doanh nghiệp sử dụng ứng dụng chuyển đổi số X-Starter, X-SME và tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Ngày 24/9, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) công bố chương trình chuyển đổi số nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố tiếp cận với các gói giải pháp chuyển đổi số phù hợp. 

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết, chuyển đổi số hiện nay không còn là trào lưu theo kiểu “thích thì làm, không thích thì thôi” mà đã trở thành giải pháp tất yếu giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới về công nghệ, thị trường, thị hiếu khách hàng. 

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số cũng như sự phát triển của nền kinh tế số dẫn đến tâm lý e ngại, né tránh.

“Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của HUBA là đồng hành và kết nối các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bắt đầu từ nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số đến tư vấn, giới thiệu các giải pháp chuyển đổi phù hợp.”, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.

TP HCM dành 4 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói giải pháp chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. (Ảnh: Như Huỳnh).

Mục tiêu của hiệp hội là từ nay đến giữa năm 2021, làm sao để các công ty hiểu đúng, nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số để có kế hoạch hành động phù hợp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Ban chuyên trách chuyển đổi số cũng sẽ tập trung vào công tác tư vấn, giới thiệu nguồn lực, đối tác tin cậy để những doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp cận nhanh và thực hiện hoạt động chuyển đổi số, thích ứng và phát triển hơn trong thời đại công nghiệp 4.0.

Về chi phí, theo chương trình chuyển đổi số của HUBA, với nguồn quĩ 4 tỉ đồng, chương trình bước đầu hỗ trợ miễn phí 6 tháng đầu tiên cho 300 doanh nghiệp sử dụng ứng dụng chuyển đổi số X-Starter, X-SME, giảm 20% trong 6 tháng tiếp theo.

Đồng thời tổ chức các chương trình tư vấn, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cũng khẳng định, chuyển đổi số là việc làm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ như vũ bão hiện nay. 

TP HCM xác định kinh tế số là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế của thành phố trong tương lai với mục tiêu năm 2025 kinh tế số đóng góp 25% GRDP và đến năm 2030 sẽ đóng góp 40% GRDP toàn thành phố.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, chuyển đổi số sẽ giúp gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, từ có gia tăng năng lực cạnh tranh trên nhiều góc độ. Khác với nhận định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kĩ thuật sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm cho người lao động, trên thực tế nền kinh tế số đang tạo ra nhiều việc làm mới và tăng thu nhập đáng kể cho lao động trong nền kinh tế đó. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và từng bước xây dựng nền kinh tế số, TP HCM đã và đang xây dựng các nền tảng như trung tâm dữ liệu dùng chung, chính quyền điện tử, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

TP HCM dành 4 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói giải pháp chuyển đổi số - Ảnh 2.

Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM và Hội Tin học TP HCM kí kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp. (Ảnh: Như Huỳnh).

Chia sẻ về các rào cản chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM cho rằng tâm lí chung của các doanh nghiệp là sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin. 

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là doanh nghiệp khởi nghiệp việc ứng dụng số hóa sẽ đơn giản, gọn lẹ và đạt được hiệu quả nhanh hơn. Trong khi các doanh nghiệp qui mô lớn bắt buộc phải số hóa từng phần, chia làm nhiều giai đoạn khác nhau rất phức tạp.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn hai nguồn lực là nhân sự và giải pháp. 

"Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ hoạt động của chính quyền, nền kinh tế và của xã hội lên trên môi trường số. Do đó, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thì vai trò của người lãnh đạo của mỗi đơn vị đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện", Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM nhấn mạnh.

Trong khi đó, về giải pháp, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi cụ thể. Việc lựa chọn đối tác thực hiện chuyển đổi số cần được thẩm định kĩ về năng lực, khả năng đồng hành lâu dài và phù hợp với năng lực của doanh nghiệp mới có thể đảm bảo quá trình chuyển đổi số thuận lợi và hiệu quả.

Theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND, mục tiêu năm 2030, TP HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Phấn đấu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; TP HCM thuộc nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử.

Và đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp; giảm 40% thủ tục hành chính; TP HCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số…

Như Huỳnh