TP HCM đã có khoản thu ngân sách vượt dự toán cả năm
Nhiều khoản thu đột biến liên quan tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và một số sắc thuế có tăng trưởng tích cực như: dầu thô, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí – lệ phí... đã giúp thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP HCM trong nửa đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ; trong đó, nhiều nguồn thu cũng thể hiện sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Dầu thô đem lại nguồn thu kỷ lục
Cục Thống kê TP HCM vừa công bố số liệu cho thấy, lũy kế 6 tháng năm 2022, số thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước hơn 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 156.838 tỷ đồng, đạt 60,42% dự toán, chiếm 65,7% tổng thu cân đối và tăng 17,62% so với cùng kỳ.
Thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 15.225 tỷ đồng, đạt 58% dự toán và tăng 5,3%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 43.613 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 11,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước 36.642 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 9,2%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 68.700 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, chiếm 28,8% tổng thu cân đối và tăng 9,6%.
Đáng lưu ý, cùng với sự biến động mạnh của giá dầu thô thế giới trong nửa đầu năm nay, hoạt động thu dầu thô trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm nay, thu dầu thô ước thực hiện trên 13.100 tỷ đồng, đã vượt 24,8% dự toán đề ra trong năm 2022, chiếm 5,5% tổng thu cân đối và tăng trên 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, hoạt động thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ghi nhận kết quả khả quan nhờ các giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng một số chính sách tài khóa, tiền tệ đã phát huy hiệu quả, góp phần kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Đáng kể, hoạt động thu từ khu vực kinh tế đạt gần 60% dự toán, tăng 9,68% so cùng kỳ là do doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại, ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, một số khoản thu tăng cao từ việc đánh giá lại tài sản và chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp đã góp phần làm tăng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế giá trị gia tăng trên địa bàn.
Ngoài yếu tố giá xăng dầu tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ mạnh thì việc doanh nghiệp ngành này chuyển sang kê khai thuế tại TP HCM đã giúp hoạt động thu từ dầu thô ước vượt 24,8% dự toán dù mới được nửa năm.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tiếp tục có xu hướng phục hồi và đang trên đà phát triển tạo tâm lý và niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo nguồn thu bền vững trên địa bàn.
Số thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn có tiến độ thu đạt khá so với dự toán cũng như so với cùng kỳ; trong đó, một số nguồn thu thể hiện được sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, như thuế giá trị gia tăng tăng 15,6%; thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ…
Ngoài ra, từ ngày 1/4/2022, TP HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển cũng góp phần tăng thu phí - lệ phí trong 6 tháng đầu năm.
Nhiều khoản thu từ đất đai tăng đột biến
Bên cạnh các mặt đạt được, lãnh đạo ngành tài chính thành phố cũng nhận định, số thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng năm 2022 tăng trưởng mạnh chủ yếu tập trung vào các khoản thu mang tính hữu hạn và phụ thuộc vào tài nguyên quốc gia; trong đó, phải kể đến các khoản thu liên quan đến đất đai như thu từ tiền thuê đất tăng 103,2%; tiền sử dụng đất tăng 81,5%.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, trong nửa đầu năm nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận số lượng hồ sơ mua bán, giao dịch nhà đất tăng đột biến, với gần 267.000 hồ sơ đất đai, trung bình giải quyết gần 45.000 hồ sơ/tháng. Nguồn thu từ hoạt động này ước đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố cũng tập trung duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường của 57 dự án theo chỉ đạo của UBND thành phố. Qua đó, cũng mang về nguồn thu hơn 5.000 tỷ đồng cho ngân sách thành phố trong nửa đầu năm nay, tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Thực tế, thông tin của Cục Thuế TP HCM cũng cho thấy, các khoản thu liên quan đến đất đai ghi nhận sự tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay, do thị trường bất động sản đầu năm 2022 đang có dấu hiệu ấm dần lên cùng với việc Cục Thuế thành phố đã và đang tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, ước thu thu lệ phí trước bạ tăng 22,6% so với cùng kỳ; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước tăng 103,2%. Đáng kể, khoản thu này có số tăng đột biến, do khoản nộp 974 tỷ tiền thuê đất một lần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn cho dự án Khu đô thị Bình An; Công ty Cảng Phú Định nộp tiền theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước 272 tỷ.
Bên cạnh đó, số thu từ tiền sử dụng ghi nhận tăng tới 81,5% so với cùng kỳ, do có các khoản nộp đột biến liên quan đến tiền đặt cọc của các doanh nghiệp trúng thầu đấu giá đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Công ty cổ phần Đầy tư và Phát triển Sài Gòn nộp 4.100 tỷ đồng; Công ty Bất động sản Phú Gia nộp 50 tỷ đồng.
Trong năm 2022, ngành tài chính TP HCM được giao dự toán ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 386.568 tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021; trong đó, thu nội địa, kể cả dầu thô là 270.068 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỷ đồng.
Mặc dù số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm vượt trên 60% so dự toán, tuy nhiên lãnh đạo ngành tài chính thành phố cũng nhận định, hoạt động thu ngân sách còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động do dịch bệnh và chiến tranh, chuỗi cung ứng vẫn còn bị đứt gãy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.
Những điều này có thể làm giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, khả năng nguy cơ lạm phát gia tăng trong các tháng cuối năm. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành tài chính thành phố cho biết sẽ tiếp tục điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ, chủ động; triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/