TP HCM: Kinh doanh BĐS tăng trưởng âm, thu ngân sách liên quan đến BĐS tăng gấp đôi
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 511.910 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ trọng yếu có giá trị tăng thêm chiếm 58,8% trong GRDP và chiếm 91,8% trong khu vực dịch vụ. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ, 3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6%.
Riêng chỉ có một ngành dịch vụ là hoạt động kinh doanh bất động sản gồm mua bán, cho thuê và dịch vụ môi giới liên quan đến bất động sản giảm 5,82% so với cùng kỳ.
Cũng theo báo cáo, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP HCM lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản thu liên quan đến bất động sản tăng gấp hai lần.
Về chỉ số giá, trong tháng 6/2022, giá nhà ở thuê đã tăng 1,63% so với tháng trước.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, từ ngày 1/1 - 20/6, TP HCM đã cấp phép 21.413 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 260.130 tỷ đồng, tăng 13,4% về giấy phép và giảm 23,5% về vốn so với cùng kỳ. Kinh doanh bất động sản có 1.453 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 73.266 tỷ đồng, tăng 8,8%
Về tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ ngày 1/1 - 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM là 2,21 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có 86,3 triệu USD, chiếm 14,3%.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 335.595 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 40.152 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Doanh thu lữ hành đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 177.207 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 63,6%, giảm 7,3%
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2022, TP HCM tiếp tục ổn định thị trường bất động sản, kiểm soát có hiệu quả hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường.
TP HCM tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, thành phố tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 3.