'Được phân quyền TP HCM không phải lăn tăn xin chỗ nọ chỗ kia'
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, hiệu lực từ 1/8/2023 tiếp nối Nghị quyết 54, gồm 44 nhóm chính sách với 7 lĩnh vực, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, trả lời VnExpress về kết quả bước đầu, những thuận lợi và vướng mắc, sau hơn 6 tháng TP HCM triển khai.
- Sau hơn 6 tháng triển khai, Nghị quyết 98 đã tác động đến TP HCM như thế nào?
- TP HCM đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nên ngay khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, HĐND thành phố đã ban hành hàng loạt nghị quyết triển khai, cụ thể hóa nhiều nội dung. Các vấn đề đã được xử lý ngay như bố trí vốn đầu tư công, phân cấp quản lý cho TP Thủ Đức, thực thi các điều chỉnh về ngân sách, thông qua danh mục dự án BT, BOT, các chính sách về khoa học công nghệ... Đến cuối năm ngoái, đã có hơn 20 nghị quyết được ban hành.
Tiếp đến, TP HCM cũng tổ chức sắp xếp lại bộ máy cấp xã, tăng số lượng phó chủ tịch UBND cho các huyện, xã đông dân. Một nội dung giúp tạo động lực cho cán bộ viên chức thành phố là chính sách chi thu nhập tăng thêm cũng được thực hiện.
Song song đó, thành phố triển khai một số dự án trọng điểm như thu hút nhà đầu tư chiến lược cho cảng trung chuyển Cần Giờ, đề án xây dựng Trung tâm tài chính, tận dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) của Nghị quyết 98 để quy hoạch tổng thể 220 km đường sắt đô thị...
Như vậy, trong thời gian chưa lâu nhưng nhiều nội dung của Nghị quyết 98 đã đi vào cuộc sống, mang đến không khí tích cực cho thành phố.
- Tại cuộc họp mới đây với Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, ông nhận xét cơ chế đặc thù mới chỉ cho TP HCM một nửa quyền, cụ thể là như thế nào?
- Trong Nghị quyết 98, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành một số nghị định và TP HCM đang bị nợ nghị định phân cấp phân quyền, điều này khiến việc thực hiện các cơ chế đặc thù bị vướng. Ví dụ, Nghị quyết 98 cho TP HCM quyết định chủ trương đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược các dự án nhưng quy trình thủ tục phải chờ ý kiến bộ ngành và tuân thủ theo Luật Đầu tư. Đó chính là chỉ cho một nửa quyền.
Để tháo gỡ, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng nghị định mở rộng phân cấp phân quyền cho thành phố. Mục tiêu các nội dung trước đây phải chờ bộ ngành thông qua thì nay phân cấp cho TP HCM để đảm bảo đồng bộ từ chủ trương cho tới quy trình thủ tục. Điều này giúp bộ máy thành phố vận hành trôi chảy, cán bộ không phải lăn tăn xin chỗ nọ chỗ kia.
Tại phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng đã rất quyết liệt với nội dung này. Tôi kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ để Nghị định phân cấp, phân quyền cho thành phố được sớm ban hành, tốt nhất ngay trong quý 1 để bộ máy vận hành hiệu quả.
- Khi thực hiện Nghị quyết 54 trước đây, TP HCM cũng gặp khó khăn trong phân cấp, phân quyền, tại sao không rút kinh nghiệm để giải quyết những vướng mắc này ngay trong trong dự thảo Nghị quyết 98?
- TP HCM xin Quốc hội cho thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù tức chỉ xin được chủ trương, phần chi tiết là thủ tục thì phức tạp vì phải rà từng nghị định, thông tư. Thế nên, các nội dung không thể đưa hết vào một Nghị quyết của Quốc hội. Hơn nữa, Nghị quyết 98 tương đương với luật mà ngay cả luật cũng cần nghị định, thông tư hướng dẫn. Do đó, trong Nghị quyết 98, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn.
Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành hai nghị định gồm quản lý cán bộ, công chức cấp xã tại TP HCM và hướng dẫn thực hiện hợp đồng BT, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
So với Nghị quyết 54 thì Nghị quyết 98 có nhiều lợi thế hơn, đồng bộ nhiều vấn đề. Lần đầu tiên, thành phố có một nghị quyết có khả năng tạo ra tác động rất lớn, nhiều lĩnh vực, những chính sách đột phá chưa từng có.
Thời gian qua, Trung ương cũng rất tích cực hỗ trợ. Lần đầu tiên một nghị quyết triển khai ở địa phương nhưng trưởng ban chỉ đạo thực hiện lại là Thủ tướng và rất nhiều bộ, ngành là thành viên. Nghị quyết có hiệu lực mới 6 tháng, Ban chỉ đạo đã họp hai lần và các vướng mắc đều được đưa ra bàn luận, đốc thúc. Tất nhiên có những vấn đề còn chậm nhưng tinh thần chung đang rất tích cực để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống.
- Trung ương và TP HCM cần làm gì tiếp theo để Nghị quyết 98 phát huy hiệu quả hơn nữa?
- Quan trọng nhất là sớm ban hành nghị định phân cấp phân quyền cho thành phố. Tiếp đến là bổ sung cảng trung chuyển Cần Giờ vào quy hoạch cảng biển, thúc đẩy xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM và cuối cùng là sớm triển khai Kết luận 49 của Bộ Chính trị về xây dựng đường sắt đô thị giai đoạn từ nay đến 2035.
Riêng TP HCM đang có một số tồn tại như các dự án đầu tư, thị trường bất động sản, quy hoạch chi tiết các dự án... đang vướng. Thành phố cần mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98 để giải quyết các điểm nghẽn này, khơi thông dòng vốn.
Với lộ trình đang thực hiện, tôi tin rằng TP HCM sẽ triển khai Nghị quyết 98 có hiệu quả, đạt được mục tiêu tạo sức bật cho thành phố đầu tàu. Dĩ nhiên mức độ cao hay thấp còn tùy vào sự quyết tâm của Trung ương và địa phương. Là người gắn bó với thành phố đủ lâu và theo dõi nơi này khi thực hiện Nghị quyết 54 và so sánh với những gì đã làm sau 6 tháng qua, tôi tin thành phố sẽ không tiếc nuối khi thời gian thí điểm Nghị quyết 98 kết thúc.