Top10 tăng/giảm tháng 2: Midcap hiếm hoi ngược dòng trong thị trường đỏ lửa, cổ đất về lại đáy cũ
Trên sàn HOSE, những cổ phiếu trên bảng xếp hạng top10 mã tăng giá mạnh nhất đều có tỉ lệ trên 16%. Cổ phiếu ST8 của CTCP Siêu Thanh dẫn đầu khi tăng giá 49%. Quan sát giao dịch cổ phiếu này trong tháng, ST8 tăng giá 12 trên tổng số 20 phiên giao dịch, trong đó có 9 phiên tăng kịch trần.
Một cổ phiếu khác cũng thuộc nhóm dịch vụ/tiện ích là CLW (41,50%). Trên sàn giao dịch, CLW nổi bật với chuỗi 6 phiên tăng kịch trần liên tiếp trong khoảng cuối tháng 2.
Nhóm giữa bảng xếp hạng là các cổ phiếu có tỉ lệ tăng giá từ 30 – 40% gồm SII (40,63%), TMT (38,91%), TNC (30%). Những cổ phiếu còn lại trên bảng xếp hạng có tỉ lệ tăng từ 16 – 21% như SC5 (21,62%), MCP (21,45%), COM (20,81%), AMD (18,18%), PSH (16,25%).
Nhóm Bất động sản gây chú ý trong tháng nhưng là ở chiều giảm giá. Cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh đứng đầu với tỉ lệ giảm 32,89%. Quan sát giao dịch cô phiếu này, DXG giảm giá 15 trên tổng số 20 phiên giao dịch, trong đó có 3 phiên giảm kịch sản. DXG có 2 chuỗi giảm giá sâu trong tháng là 5 phiên và 6 phiên liên tiếp.
Những đại diện khác cùng nhóm Bất động sản và xây dựng là MCG (31,11%), CRE (27,52%), PDR (27,08%), NVL (25,35%), HTN (22,90%). Top10 giảm sâu trên sàn HOSE tháng 2 còn có EIB (30,77%), VPG (24,33%), VTB (23,96%), VOS (23,23%).
Trên sàn HNX, nhóm Dịch vụ có các đại diện dẫn đầu cả hai chiều tăng giảm. Tương tự, cổ phiếu bất động sản và xây dựng tiếp tục được gọi tên ở chiều giảm giá. Cụ thể, cổ phiếu TTT của CTCP Du lịch – Thương mại Tây Ninh dẫn đầu khi tăng giá 75%.
Nhóm Công nghiệp gây chú ý khi có 3 đại diện góp mặt trên bảng xếp hạng tăng giá gồm CTB (47,53%), SSM (45,95%) và NAP (27,03%). Trong khi đó, Bất động sản, Y tế và Nguyên vật liệu có từ hai đại diện trong top10. Cụ thể, HMR (36,36%) và PEN (31,43%) thuộc Bất động sản và xây dựng; DNM (56,30%) và DVM (32,26%) thuộc Y tế; HGM (30,26%) và BPC (29,00%) thuộc Nguyên vật liệu.
Ở chiều giảm giá, cổ phiếu SGH của CTCP Khách sạn Sài Gòn dẫn đầu với tỉ lệ giảm 48,59%. Nhóm Bất động sản và xây dựng giảm sâu khi có tới 4 đại diện trong top10 giảm giá là SDG (38,97%), THS (32,15%), PPE (31,88%), KSF (30,76%). Những cổ phiếu còn lại trên bảng xếp hạng là VMS (39,50%), VKC (29,41%), MHL (28,81%) và PTI (28,40%).
Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG gây ấn tượng khi thị giá đẩy từ 240.000 đồng/cp lên tới 924.000 đồng/cp tương ứng mức tăng 285%. Quan sát giao dịch cổ phiếu này trong tháng, VNZ tăng giá 14/20 phiên giao dịch. Đặc biệt, cổ phiếu này sở hữu chuỗi 11 phiên tăng kịch trần liên tiếp kể từ đầu tháng 2.
Những cổ phiếu còn lại trên bảng xếp hạng có tỉ lệ tăng từ 60 – 80%. Các nhóm Công nghiệp, Nông nghiệp và Năng lượng gây chú ý khi đều có từ hai đại diện góp mặt trong top10. Cụ thể, TRS (76,92%) và VMT (65,04%) thuộc nhóm Công nghiệp; CFV (62,03%) và BMV (60,82%) thuộc nhóm Nông nghiệp; HFC (67,70%) và DNA (65,47%) thuộc nhóm Năng lượng.
Ở chiều giảm giá, cổ phiếu HEP của CTCP Môi trường và Công trình Đô thị Huế dẫn đầu bảng với tỉ lệ giảm 64,66%. Nhóm Bất động sản tiếp tục được gọi tên khi có tới 4 đại diện là LAI (59,09%), SJC (46,71%), LQN (46,67%), DAC (46,43%). Top10 giảm giá trên thị trường UPCoM còn có KTL (53,75%), EME (50,61%), RCC (48,88%), PTP (46,43%), NHV (45,83%).