|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top10 tăng giảm tháng 7: Cổ phiếu gạo và bất động sản nổi sóng

21:11 | 02/08/2023
Chia sẻ
Trong tháng 7, VNIndex chính thức vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Nhóm bất động sản và ngành gạo là tâm điểm với nhiều cổ phiếu lọt top tăng giá mạnh nhất như PHC, SJS, DPG, LGL...

Thị trường chứng khoán tháng 7 chứng kiến sự hồi phục trở lại cả về điểm số và khối lượng giao dịch, chính thức vượt ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm. Cụ thể, VNIndex tăng hơn 9% trong tháng 7, đóng cửa phiên cuối tháng (31/7) tại 1.222,90 điểm.

Sự phân hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong tháng 7. Tính trên gần 1.700 doanh nghiệp trên thị trường thì có 36,2% số mã tăng giá, 30,7% mã giảm, còn lại 33,1% không thay đổi. 

Trên sàn HOSE, cổ phiếu bất động sản dậy sóng với loạt mã lọt top tăng giá. Trong đó, LEC của Land Central dẫn đầu với tỷ lệ tăng giá hơn 95%. 

SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà (Sudico) tăng hơn 41%. Doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận 67,1 tỷ đồng doanh thu giảm 71,7% so với cùng kỳ và 92,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế gấp 2,8 lần cùng kỳ. 

Nguồn: Thu Hà thống kê

Cổ phiếu PHC của Phục Hưng Holdings cũng ghi nhận mức tăng trê 38% trong tháng 7. Gần nhất, thông tin liên danh Vietur (trong đó có Phục Hưng Holdings) là đơn vị duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật gói thầu hơn 35.000 tỷ của sân bay Long Thành. 

Bên cạnh đó, LGL của Long Giang Land, HDC của Hodeco và DPG của Đạt Phương lần lượt tăng giá 35%, 32% và 27% sau tháng 7. 

Ngoài nhóm bất động sản, cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Chứng khoán VIX, RDP của Rạng Đông Holding và MHC của Hàng Hải Hà Nội cũng đều trong nhóm tăng giá mạnh.

Diễn biến trái chiều, top mã giảm điểm có DTL của Đại Thiên Lộc và CTF của City Auto lần lượt giảm 30% và 20% trong tháng qua. Hai doanh nghiệp này đều ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm không mấy tích cực. Cụ thể, Đại Thiên Lộc lỗ sau thuê hơn 93 tỷ đồng trong khi City Auto báo lãi sau thuế 14,2 tỷ đồng, giảm 63%. 

Những cổ phiếu khác ghi nhận mức giảm giá từ trên 10% còn có MDG, TMT, VNG, SPM, FIR và SKG.

Trên HNX, CTCP Phát triển Hàng hải là doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tháng 7 (57%), theo sau là Chứng khoán Guotai Junan với mã IVS (56%) và TAR (41%) của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Nguồn: Thu Hà thống kê

 Không riêng TAR, cổ phiếu nhóm gạo liên tiếp ghi nhận những phiên giao dịch tích cực cuối tháng 7 trong bối cảnh ngành này nhận nhiều thông tin hỗ trợ. Cụ thể, Ấn Độ, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lần lượt đưa ra các quyết định về việc dừng xuất khẩu gạo.

Trước đó, việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm. Một số cổ phiếu khác cũng tăng giá mạnh như UNI, TMB, AAV, C69...

Ngược lại, những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trên sàn HNX có NAG của Tập đoàn Nagakawa (giảm 21%), PTI của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (20%). Nhóm cổ phiếu "họ Apec" gồm APS, IDJ và API đều nằm trong top giảm giá sau sự việc các lãnh đạo bị cáo buộc thao túng giá cổ phiếu hồi đầu tháng 7.

Tại thị trường UPCoM, một cổ phiếu nhóm lương thực dẫn đầu chiều tăng giá là VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam với tỷ lệ 116%. Các mã còn lại trong top10 đều có mức tăng từ trên 51% như MVC, SAL, EME, HPI...

Nguồn: Thu Hà thống kê

Các cổ phiếu giảm giá nhiều có DNT của CTCP Du lịch Đồng Nai, TVG của Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải, SCY của CTCP Đóng tàu Sông Cấm...

Thu Hà