Top 5 quốc gia đánh thuế nhập khẩu cao để bảo vệ nền kinh tế nội địa
Khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã hứa sẽ làm rung chuyển nền thương mại toàn cầu như là một phần trong chiến lược Make America Great Again của mình. Các cuộc tấn công thương mại vào Trung Quốc, EU và nhiều đối tác láng giềng như Canada và Mexico cho thấy ông thực sự đã hành động.
Đặc biệt, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã làm đảo lộn thị trường toàn cầu, đẩy sàn chứng khoán vào tình trạng bấp bênh và mở ra xu hướng phát triển mới của chuỗi cung ứng thế giới.
Trong thời đại các quốc gia phát triển đang sử dụng mức thuế thấp và chính sách thương mại tự do, Mỹ đã thay đổi cái nhìn truyền thống về an ninh kinh tế và bảo hộ thương mại. Vậy trên thế giới còn những quốc gia nào đang sử dụng mức thuế nhập khẩu cao làm vũ khí bảo vệ nền kinh tế nội địa?
Tạp chí World Finance đã liệt kê top 5 quốc gia áp dụng chính sách này.
1. Bahamas (18,56%)
Quốc gia giàu có nhất vùng Caribbean là nơi áp dụng mức thuế cao nhất thế giới đối với hàng nhập khẩu. Dù phụ thuộc vào nhập khẩu với thâm hụt thương mại lên tới 7,781 tỉ USD, chính phủ Bahamian vẫn thu về 60% tổng doanh thu từ thuế nhập khẩu.
Trong khi mức thuế cơ bản hiện đang là 35%, danh sách các mặt hàng miễn thuế ngày càng mở rộng đã giảm thuế suất trung bình của quốc gia này xuống còn 18,56%.
Chính sách thuế của Bahamas cho thấy một sự tương phản rõ rệt. Quốc gia này không áp dụng thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế vốn hay thuế tài sản. Ngoài thuế nhập khẩu, hòn đảo nằm ngoài khơi Miami này chủ yếu dựa vào khách du lịch, chủ yếu từ Mỹ, để thúc đẩy nền kinh tế.
2. Gabon (16,93%)
Nằm trên bờ biển phía tây châu Phi, quốc gia này là một trong những nền kinh tế cỡ trung của lục địa. Trong khi trữ lượng dầu thô và lượng gỗ dồi dào đã tạo ra nguồn thặng dư thương mại lành mạnh, đạt 2,79 tỉ USD và tăng trưởng GDP ổn định từ những năm 2000, tỉ lệ thất nghiệp và hộ nghèo tại đây vẫn rất cao. Ngoài ra, thất bại trong đa dạng hóa nền kinh tế đã dẫn đến khủng hoảng trong những năm gần đây.
Gabon là thành viên của Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC), một liên minh giữa bảy quốc gia Trung Phi theo chủ trương không áp thuế với các đối tác dù giao thương giữa nhóm quốc gia này rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, với các quốc gia khác trên toàn cầu, cộng đồng CEMAC áp đặt mức thuế nhập khẩu rất cao, đặc biệt là thực phẩm và nguyên liệu thô.
Thuế nhập khẩu là một trong những nguồn thu lớn cho các chính phủ trên toàn thế giới. Ảnh: WorldFinance
3. Chad (16,36%)
Quốc gia Trung Phi không giáp biển này là một thành viên khác của tổ chức CEMAC có mức thuế cao kỉ lục đối với hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Thương mại chiếm tới 68% GDP của Chad.
Dù không giống như Gabon, quốc gia này đã gặp phải thâm hụt thương mại trong những năm gần đây ở mức 630 triệu USD nhưng phần lớn giao dịch Chad là không chính thức. Khoảng 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp và trao đổi gia súc - loại giao dịch không bao giờ được thống kê. Do đó, các số liệu thương mại tại đây rất khó xác minh.
Dầu và nông nghiệp chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Chad với hơn 50% hướng đến Mỹ. Gạo và bột nhập khẩu phải chịu mức thuế thấp nhất (5%) trong khi thực phẩm và đồ điện tử lại lên tới 30%.
4. Bermuda (15,39%)
Đây là một bán đảo từng thuộc sở hữu của Anh và là một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới nhờ cung cấp các dịch vụ tài chính nước ngoài. Được coi là thiên đường thuế doanh nghiệp với các quy định lỏng lẻo, hiện có khoảng 18.000 công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây.
Bermuda khan hiếm tài nguyên xuất khẩu và hiếm khi xây dựng các cơ sở sản xuất. Do đó, hầu hết các sản phẩm của đảo đều được nhập khẩu, chủ yếu từ Anh.
Mức thuế cao áp cho hàng nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của chính phủ và khiến người dân phải mua hàng bán lẻ với mức giá khá cao. Phần lớn các sản phẩm phải chịu mức thuế 22,25%. Đặc biệt, thực phẩm và thiết bị y tế thiết yếu được miễn thuế hoàn toàn.
5. Cộng hòa Trung Phi (14,51%)
Thành viên của CEMAC thứ ba lọt vào danh sách này là Cộng hòa Trung Phi (CAR) - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Quốc gia này mắc kẹt trong một cuộc nội chiến kéo dài, làm suy giảm GDP vào năm 2013 và dẫn đến tình trạng phụ thuộc đáng kể vào viện trợ nước ngoài.
CAR rất giàu tài nguyên thiên nhiên và sở hữu hàng loạt các khoáng sản như kim cương, vàng và uranium. Tuy nhiên, nạn buôn lậu tràn lan trong nước và phần lớn hàng hóa nằm trong tay những kẻ đầu cơ bất hợp pháp dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng trong thị trường tiêu dùng.
Các loại cây trồng như cà phê, bông và thuốc lá cũng được xuất khẩu nhưng lượng nhập khẩu thậm chí nhiều gần gấp đôi, bất chấp nguồn nguyên liệu dồi dào. Tương tự như các thành viên CEMAC còn lại, hàng nhập khẩu của Cộng hòa Trung Phi chủ yếu bao gồm thực phẩm, máy móc hỗ trợ ngành khai khoáng và thiết bị y tế.