|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nửa đầu 2024: MB dẫn đầu nhóm cổ phần

08:50 | 03/08/2024
Chia sẻ
BIDV giữ vị trí quán quân về tổng tài sản trong nửa đầu năm 2024, trong khi nhóm cổ phần MB đang dẫn trước Techcombank, VPBank, ACB. LPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 15,6%

 

Nguồn: BCTC các ngân hàng - Đồ hoạ: Vân Miên.

Theo thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, tổng tài sản của các nhà băng đã đạt hơn 17,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, xu hướng tăng chiếm chủ đạo với 26 ngân hàng có tổng tài sản tăng và ghi nhận 3 ngân hàng tổng tài sản giảm trong sáu tháng đầu năm. 

Theo đó, BIDV tiếp tục là ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất toàn hệ thống với hơn 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó cho vay khách hàng tăng gần 6% so với cuối năm trước, đạt 1,88 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành. 

Đáng chú ý, VietinBank đã vượt qua "ông lớn" Agribank, chiếm vị trí thứ 2 tăng trưởng tổng tài sản đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,3%. Khoản mục cho vay khách hàng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm trước. Trong khi đó, tổng tài sản của Agribank 6 tháng đầu năm tăng nhẹ 1,8% đạt 2,08 triệu tỷ đồng và xếp thứ 3. 

Vị trí cuối cùng trong nhóm big4 là Vietcombank với quy mô tổng tài sản là hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm hơn 72% tổng tài sản, đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 7,8%. 

Ngoài nhóm 4 "ông lớn" kể trên, top 10 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tính đến cuối quý II/ 2024, còn có nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân bao gồm MB, Techcombank, VPBank, ACB, Sacombank và SHB.

Riêng khối tài sản của 10 ngân hàng trên đã lên tới hơn 13,6 triệu tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng tài sản của 29 nhà băng được thống kê. 

Ở chiều ngược lại, 5 nhà băng có quy mô tài sản bé nhất hệ thống gồm có Kienlongbank, Ngân hàng Bản Việt, BaoViet Bank, PG Bank và Saigonbank. Tổng tài sản của 5 ngân hàng này đạt 371.369 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, LPBank là ngân hàng ghi nhận mức tăng tài sản lớn nhất tới 15,6% chủ yếu nhờ khoản mục tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác tăng 58% trong sáu tháng qua, đạt 56.075 tỷ đồng; khoản mục cho vay khách hàng tăng 15,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng toàn ngành. 

Xếp thứ hai về tốc độ tăng trưởng là BaoViet Bank với mức tăng ấn tượng lên tới 14,7% so với đầu năm, nhờ các khoản mục tiền gửi và cho vay các TCTD khác ghi nhận mức tăng 64% đạt 22.245 tỷ đồng; bên cạnh đó, các khoản tiền mặt, vàng, đá quý cũng tăng thêm 16%. 

Những cái tên nổi trội khác trong cuộc đua về tổng tài sản không thể không nhắc đến Techcombank, VPBank hay ACB với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản lần lượt là 6,9%, 5,7% và 7,1% so với đầu năm. 

Tính đến ngày 30/6, chỉ có ba ngân hàng ghi nhận quy mô tổng tài sản giảm, bao gồm OCB, ABBank và VietABank.

Trong đó, ABBank là ngân hàng có quy mô tổng tài sản giảm nhiều nhất (- 6,1%). Nguyên nhân chủ yếu là  khoản mục cho vay khách hàng của ABBank giảm 7% (khoảng 7.169 tỷ đồng). Tuy vậy, khoản tiền gửi và cho vay TCTD vẫn ghi nhận tăng trưởng nhẹ 3%. 

 

Minh Nguyệt

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 07/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 07/9 đến 1h ngày 08/9.