|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng cho vay trung và dài hạn nhiều nhất nửa đầu 2024: VPBank dẫn đầu nhóm cổ phần

07:24 | 24/08/2024
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2024, tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn của 30 ngân hàng có công bố báo cáo tài chính đạt 5,4 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm cuối năm 2023. Dư nợ cho vay trung dài hạn đang chiếm 43% tổng dư nợ tại nhóm ngân hàng này.

 

Đồ họa: Alex Chu.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II và bán niên của 30 ngân hàng (gồm 27 ngân hàng niêm yết, Agribank, BaoViet Bank và PVcomBank), tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn của những nhà băng trên đạt 5,4 triệu tỷ đồng, nhích thêm 5% so với thời điểm cuối năm 2023 (5.145 nghìn tỷ đồng).

Tốc độ tăng trưởng của dư nợ cho vay trung dài hạn đang thấp hơn so với tăng trưởng cho vay nói chung (7,3%), cho thấy tín dụng trong nửa đầu năm chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Hiện dư nợ cho vay trung dài hạn đang chiếm 43% tổng dư nợ tại nhóm ngân hàng này.

Cuối quý II/2024, BIDV là ngân hàng ghi nhận có dư nợ cho vay trung và dài hạn nhiều nhất trên bảng xếp hạng, dẫn đầu nhóm Big 4, với 648.132 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm cuối năm 2023. 

Theo sau đó là Agribank, với dư nợ cho vay trung và dài hạn giảm 4%, đạt 584.905 tỷ đồng. VietinBank xếp vị trí thứ ba với tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng 3%, đạt 528.579 tỷ đồng.

Vietcombank đang giữ Top 4 với tổng dư nợ cho vay trung dài hạn tăng nhẹ 3% so với thời điểm đầu năm, từ 479.754 tỷ đồng lên 494.502 tỷ đồng tính đến hết tháng 6. 

Ngoài nhóm 4 "ông lớn" kể trên, top 10 ngân hàng có dư nợ cho vay trung dài hạn cao nhất tính đến cuối quý II, còn có nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân bao gồm VPBank, Techcombank, MB, SHB, HDBank và Sacombank. 

Xét về tốc độ tăng trưởng, trong nửa đầu năm, NCB là ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, đạt 27%. Dư nợ trung dài hạn vào cuối quý II của ngân hàng này là 43.816 tỷ đồng.

Trong danh sách, có 25/30 ngân hàng đều có tổng dư nợ cho vay trung dài hạn tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024. Đáng chú ý, có 8 ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng hai chữ số phải đến như NCB (27%), MSB (22%), HDBank (17%), ACB (11%), VietABank (11%), PVcomBank, VietBank và Eximbank cùng tăng trưởng 10% tại khoản mục này. 

Ở chiều ngược lại, 5 nhà băng có sụt giảm trong chỉ tiêu dư nợ cho vay trung và dài hạn trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, ABBank là ngân hàng ghi nhận giảm sâu nhất, ở mức 12%. 

Cho vay trung dài hạn kèm theo rủi ro về thanh khoản nhưng thường đem lại mức lãi suất cao hơn. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 30%. Với quy định trên, các tổ chức có nguồn vốn dài hạn mạnh (vốn chủ sở hữu lớn, huy động được nhiều vốn ở kỳ hạn dài ...) sẽ có thể cho vay trung dài hạn nhiều hơn.

 

Minh Nguyệt

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.