Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: 'Tân binh' nổi loạn
Diễn biễn thị trường chứng khoán tuần qua khá buồn tẻ. Sau phiên lao dốc khá mạnh đầu tuần do áp lực bán gia tăng và lan rộng, thị trường đã nhanh chóng lấy lại sự hồi phục trong những phiên tiếp theo, tuy nhiên sự nâng đỡ chủ yếu đến từ các mã có vốn hóa lớn và thanh khoản sụt giảm khá mạnh do tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,87 điểm (+0,24%) lên 777,6 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index có phần tiêu cực hơn, sau khi giảm điểm khá mạnh ở các phiên đầu tuần thì chỉ số này gần như đi ngang. Tính chung cả tuần, HNX-Index giảm 1,15 điểm (-1,13%) xuống 100,43 điểm.
Nhìn chung nhóm cổ phiếu bluechip tuần qua khá phân hóa, trong đó các mã vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò là lực đỡ thị trường trong các phhieen giao dịch. Trong khi đó, dù có tác động tới thị trường khá thấp, nhưng các mã tí hon tiếp tục đón nhận thêm một tuần khởi sắc với nhiều mã vẫn đua nhau tỏa sáng.
Cụ thể, trên sàn HOSE, hàng loạt mã đầu cơ vừa và nhỏ đã lọt vào top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần như HAR, HAI, APG, TNT, JVC, TSC.
Trong đó, HAR và HAI dẫn đầu bảng xếp hạng với mức tăng cùng đạt xấp xỉ 40%. Tạo ấn tượng cho thị trường, tuần qua, HAR đã ghi nhận phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp; còn HAI cũng có được 10 phiên tăng mạnh liên tiếp và tuần qua cũng xác lập 5 phiên tăng trần liên tiếp. Thêm vào đó, cả HAR và HAI cũng được củng cố sắc tím bền vững khi lượng dư mua trần trong mỗi phiên luôn khá lớn, lên đến một vài triệu đơn vị.
Trái lại, một số mã mới gia nhập sàn HOSE trong tháng 7 này nhưng có diễn biến không mấy tích cực. Điển hình HTT của CTCP Thương mại Hà Tây.
Sau 3 phiên chào sàn tăng trần, HTT đã bị bán ra ồ ạt và liên tiếp giảm sàn. Tuần qua, HTT đã có 5 phiên giảm, trong đó có tới 4 phiên giảm sàn, đẩy giá cổ phiếu từ mức 17.250 đồng/CP xuống mức 12.550 đồng/CP, tương ứng giảm 27,25%, là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần.
Cùng cảnh ngộ với HTT là SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương. Cũng sau 3 phiên tăng trần trong tuần trước, SJF đã có những phiên liên tiếp giảm sâu trong tuần này và đứng ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, với mức giảm 13,29%.
Bên cạnh đó, trong bảng cũng có sự góp mặt của những mã tăng phi mã trong 6 tháng đầu năm như KAC của CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An, DTA của CTCP Đệ Tam, CCL của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017, KAC có mức tăng khá ấn tượng lên tới 540,19% từ mức giá 4.280 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 30/12/2016) lên 27.400 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 30/6/2017); DTA và CCL lần lượt có mức tăng 185,17% và 148,75%.
Trên sàn HNX, biên độ có phần thu hẹp hơn so với những tuần trước đó. Không có mã nào có mức tăng tới 50%, dẫn đầu bảng xếp hạng là HLC của CTCP Than Hà Lầm – Vinacomin với mức tăng 42,63%.
Cũng như tuần đầu tháng 7, HLC đã đón tuần giao dịch khởi sắc khi liên tiếp tăng mạnh trong 4 phiên và chỉ duy nhất đứng giá trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, thanh khoản của HLC vẫn khá thấp với những phiên khớp 100-200 đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là SDE của CTCP Kỹ thuật Điện Sông Đà với mức tăng 40%. Còn lại các mã đều có mức tăng dưới 30%.
Trong khi đó, PIV của CTCP PIV là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua. Mặc dù tiếp nối phiên tăng trần cuối tuần trước, PIV đã tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch đầu tuần này, tuy nhiên, những phiên tiếp theo đã chịu áp lực bán ồ ạt khiến PIV liên tiếp giảm sàn.
Với 4 phiên giảm, trong đó 3 phiên giảm sàn và duy nhất 1 phiên tăng ngày 10/7, giá cổ phiếu PIV đã giảm từ 33.300 đồng/CP xuống 24.500 đồng/CP, tương ứng giảm 26,43%.
Ngoại trừ PIV, các cổ phiếu còn lại trong bảng xếp hạng đều có mức giảm trong khoảng 10-20%. Trong đó, SGH của CTCP Khách sạn Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 2 với mức giảm 18,7%.
Sàn UPCoM vẫn là tâm điểm hội tụ những mã tăng trưởng vượt trội trong tuần qua. Có tới 4 mã có mức tăng vượt 80%, trong đó dẫn đầu là một thành viên vừa mới chào sàn trong tuần nay – CMN của CTCP Thương thực Thực phẩm Colusa-Miliket.
Với 4 phiên tăng điểm, trong đó 3 phiên tăng trần đầu tuần và 1 phiên đứng giá, giá cổ phiếu CMN đã tăng từ mức 25.800 đồng/CP lên 48.000 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 86%.
Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, mỳ tôm Colusa - Miliket khi đó được gần như độc chiếm thị trường với thị phần ước tính đạt hơn 90%. Tuy nhiên, giai đoạn hoàng kim của Miliket bắt đầu trùng xuống với sự ra đời và cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu khác.
Tuy nhiên, với chi phí thấp, Colusa - Miliket đã luôn đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn cao trong nhiều nằm liền. Cổ tức năm 2013-2015 duy trì trên 30% và năm 2016 ít nhất 25%.
Cũng có mức tăng hơn 80% là HC3 của CTCP Xây dựng số 3 Hải Phòng. Chào sàn vào ngày 11/7, với 4 phiên giao dịch nhưng HC3 đã góp mặt trong bảng bếp hạng với vị trí thứ 4.
Ngoài ra, ACS của CTCP Xây lắp Thương mại 2 cũng là thành viên mới trên sàn UPCoM trong tuần này. Với 2 phiên giao dịch nhưng ACS đã góp mặt trong bảng xếp hạng với phiên tăng trần hết biên độ 40% trong ngày chào sàn.
Ở chiều ngược lại, SCC của CTCP Đầu tư Thương mại Hưng Long tỉnh Hòa Bình là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua. Sau chuỗi ngày dài không có giao dịch, SCC đã chịu quy định áp cho sàn UPCoM với biên độ tăng giảm lên tới 40% và chỉ với 2 phiên giảm sàn trong tuần qua, SCC đã có mức giảm lên tới 46,88%.
Đứng ở vị trí thứ 2, PSN của CTCP Cảng dịch vụ Dầu khí Tổng hợp PTSC Thanh Hóa có tới 5 phiên giảm sâu dù thanh khoản chỉ một vài trăm đơn vị, đã kéo giá cổ phiếu này từ mức 12.000 đồng/CP xuống còn 6.600 đồng/CP, tương ứng giảm 45%.
Trái với diễn biến của CMN, HC3 và ACS, các “tân binh” vừa mới chào sàn UPCoM trong tuần này với chỉ 1 phiên giao dịch duy nhất cũng đã góp mặt trong bảng xếp hạng. Cụ thể, VEC của Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 với mức giảm 39,67% và HEJ của Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam – CTCP đứng ở vị trí thứ 5 với mức giảm 35,71%.