|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: KLF tăng hơn 44%

11:59 | 26/11/2016
Chia sẻ
Mặc dù thị trường chịu sức ép khá lớn từ nhà đầu tư ngoại và giao dịch thận trọng trong tuần qua, nhưng trên 2 sàn vẫn đón nhận nhiều mã tăng hơn 30%, thậm chí có mã tăng tới gần 60%.

Tuần qua, thị trường diễn biến tích cực hơn khi cả 2 chỉ số đều tăng điểm nhẹ cùng thanh khoản cải thiện so với tuần trước đó. Tuy nhiên, sức ép của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua khá lớn và tập trung mạnh vào các cổ phiếu bluechip, đã tác động khá tiêu cực lên thị trường.

Đặc biệt, cổ phiếu VNM liên tiếp dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh và những phiên cuối tuần đều bị bán ròng hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thiếu lực đỡ vững chắc từ các trụ cột khiến chỉ số Vn-Index thất bại trong việc giữ mốc 680 điểm và trở lại ngưỡng 675 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần.

Trong khi các chỉ số của thị trường tăng khá thận trọng với VN-Index chỉ tăng 2,62 điểm, tương ứng 0,39% lên mức 675,87 điểm; HNX-Index tăng 0,37 điểm, tương ứng 0,46% lên mức 80,99 điểm; thì trên sàn vẫn đón nhận nhiều mã tăng hơn 30%, thậm chí có mã tăng tới gần 60%.

Quán quân của bảng xếp hạng những cổ phiếu tăng mạnh nhất là DST của CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định.

Không chỉ ấn tượng bởi biên động tăng vượt trội, DST còn tạo ấn tượng với thị trường bởi cú đột phá mạnh, sau 2 tuần liên tiếp trước đó dẫn đầu Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất.

Như vậy, kể từ đầu tháng 11 đến nay, đây là tuần giao dịch thành công nhất của DST xét cả về giá và thanh khoản. Cụ thể, với mức tăng hơn 59%, DST đã leo lên mức giá 21.000 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 25/11) với khối lượng khớp lệnh trung bình cả tuần đạt 145.365 đơn vị/phiên.

Được biết, 9 tháng năm 2016, DST đạt doanh thu hơn 37 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế gần 879 triệu đồng; gấp gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tâm điểm đáng chú ý trong tuần qua là cổ phiếu thị trường có tính đầu cơ cao KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF.

Trong khi những “người anh em” như ROS, FLC đang tạm ổn định về mặt bằng giá thì sóng lớn đã diễn ra với KLF trong tuần qua. Liên tiếp khoác áo tím trong 5 phiên, KLF đã tăng 44% và đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 2.600 đồng/CP.

Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu KLF cũng cải thiện mạnh với tổng khối lượng khớp lệnh trung bình cả tuần đạt 3,26 triệu đơn vị/phiên. Trong đó, đáng chú ý phiên cuối tuần đã chuyển nhượng thành công gần 11,6 triệu đơn vị.

top 10 co phieu tanggiam manh nhat tuan klf tang hon 44

Trái lại, KTT của CTCP Đầu tư Thiết bị và Xây lắp điện Thiên Trường là cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần. Với 3 phiên giảm sàn và 2 phiên đứng giá, KTT đã giảm từ mức giảm 5.400 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 18/11) xuống 4.100 đồng/Cp (giá đóng cửa ngày 25/11), tương ứng giảm hơn 24%.

Tuy vậy, khối lượng khớp lệnh cả tuần của KTT chỉ đạt 800 đơn vị, tương ứng giá trị chưa tới 3 triệu đồng nhưng cũng được xem là tuần giao dịch sôi động nhất trong gần 2 tháng qua bởi những phiên trước đó, KTT không có giao dịch.

Trong khi HKB CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đã thoát khỏi bảng xếp hạng này, hay TTH của CTCP Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành cùng DST có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi lọt vào Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần, thì người bạn đồng hành trong những tuần trước đó là FID của CTCP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay trong “bóng tối”.

Tuần qua, FID có 4 phiên giảm sàn và 1 phiên tăng trần duy nhất vào cuối tuần khiến cổ phiếu này đứng ở vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng với mức giảm từ 2.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 18/11) xuống mức 1.600 đồng (giá đóng cửa ngày 25/11), tương ứng giảm 20%.

top 10 co phieu tanggiam manh nhat tuan klf tang hon 44

Trên sàn HOSE, trong khi đợt sóng khoáng sản nhanh chóng tan rã thì cổ phiếu thành viên là KSH của CTCP Đầu tư và Phát triển KSH vẫn tiếp tục leo cao. Ngày 18/11 vừa qua, KSH đã có công văn giải trình về nguyên nhân tăng trần 10 phiên liên tiếp.

Theo KSH, tình hình hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường, quyết định mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư quyết định, diễn biến giá của cổ phiếu KSH theo quy luật của thị trường, Công ty không có bất cứ sự can thiệp cũng như kiếm soát về giá của cổ phiếu KSH.

Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay, KSH đã tăng trần 16 phiên liên tiếp với mức tăng lên tới 82,86%, chốt phiên cuối tuần (ngày 25/11) tại mức giá 3.960 đồng/CP. Tính riêng tuần qua, KSH đã tăng gần 39% và trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần.

Điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng là cú lội ngược dòng của TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Sau chuỗi ngày đầm mình trong bóng tối, TTF đã bừng sáng trong tuần qua.

Với 4 phiên tăng trần đầu tuần và đuối sức khi giảm sàn phiên cuối tuần bởi thông tin cổ đông lớn Công ty Tân Liên Phát đăng ký bán gần 30 triệu cổ phiếu, TTF đã vượt qua hơn 300 mã niêm yết trên sàn HOSE để đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng này.

Ngoài ra, trong bảng xếp hạng xuất hiện khá nhiều mã thị trường có tính đầu cơ cao như DRH của CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước với mức tăng 23,49%; JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật, FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T.

top 10 co phieu tanggiam manh nhat tuan klf tang hon 44

Ở chiều ngược lại, SVT của CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông là cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HOSE. Với 5 phiên giảm sàn, SVT đã giảm từ mức giá 12.400 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 18/11) xuống còn 8.650 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 25/11), với mức giảm tương ứng 30,24%.

Tuy nhiên, thanh khoản của SVT ở mức khá thấp với tổng khối lượng khớp lệnh cả tuần chỉ đạt 1.120 đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 10 triệu đồng.

Như vậy, sau 2 tháng liên tiếp khới sắc, SVT đã đón nhận những phiên khá tiêu cực trong tháng 11. Tính riêng từ đầu tháng đến nay, giá cổ phiếu SVT đã giảm tới gần 50%.

Theo báo cáo tài chính quý III/2016, SVT đạt doanh thu 5,3 tỷ đồng, giảm tới 88,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hơn 485 triệu đồng, giảm 63,6% cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận chỉ đạt 530 triệu đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thành viên mới của thị trường niêm yết là PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 sau 3 phiên chào sàn khởi sắc đã liên tiếp lao dốc và rơi vào top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần.

Với 5 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm sàn, PC1 đã giảm 24,57% từ mức giá 49.050 đồng/Cp (giá đóng cửa ngày 18/11) xuống còn 37.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 25/11).

top 10 co phieu tanggiam manh nhat tuan klf tang hon 44

Thanh Thúy