|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng: 'Dự án tốt tại sao không để nhiều ngân hàng đồng tài trợ?'

17:57 | 11/03/2024
Chia sẻ
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự án lớn vượt quá hạn mức cho vay của một ngân hàng thì tại sao không để cho nhiều ngân hàng khác cùng tham gia đồng tài trợ?

Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV bao gồm nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau gây ảnh hưởng tiêu cực với hệ thống tài chính.

Một trong số các quy định được nhiều người quan tâm là về việc giảm giới hạn cấp tín dụng. Cụ thể, kể từ khi Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024 đến 1/1/2029, giới hạn cho vay sẽ được giảm từ 15% xuống còn 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 25% xuống còn 15% vốn tự có đối với nhóm khách hàng.

Đánh giá về quy định này tại Chương trình Đối thoại do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng quy định mới trong Luật các Tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). (Ảnh chụp màn hình).

Hiện nay, vốn của các ngân hàng lớn hiện ở khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng, các ngân hàng tầm trung khoảng 35.000 – 50.000 tỷ đồng.

Như vậy, nếu giảm hạn mức cấp tín dụng xuống 10% thì các khách hàng sẽ vay được khoảng 5.000 tỷ đồng. Giới hạn này không phải "thoải mái" cho các doanh nghiệp bởi hiện nay các dự án bất động sản, hạ tầng, năng lượng đều có số vốn rất lớn. Do đó, với các dự án trên 5.000 tỷ đã bắt đầu phải nghĩ đến chuyện hợp vốn.

Một điểm nữa là nhóm khách hàng có liên quan mang nghĩa rất rộng, đơn cử như một tổng công ty có rất nhiều công ty con độc lập, trường hợp này rơi vào nhóm khách hàng có liên quan vì vậy hạn mức cấp vốn của ngân hàng cho tập đoàn này cũng eo hẹp. 

Do đó, để thực hiện được quy định này, NHNN cần có một đề án thật rõ ràng. Trong đó, quy định rõ vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, các ngân hàng cũng cần rà soát rất kỹ nhất là nhóm các khách hàng lớn, để không gặp khó khăn khi triển khai các quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tuy nhiên, ông Hoè cũng đồng tình với quan điểm văn hoá kinh doanh của các ngân hàng thương mại cần thay đổi, có sự hợp tác để chia sẻ cả lợi ích và rủi ro.

Dự án tốt, ngân hàng có thể đồng tài trợ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA). (Ảnh chụp màn hình).

Quan điểm này được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ủng hộ và cho rằng: "Một dự án tốt thì tại sao lại chỉ vay vốn ở một ngân hàng và tại sao không để nhiều ngân hàng cùng quản lý".

Theo ông, với các ngân hàng có khách hàng hoặc nhóm khách hàng mà số dư nợ vượt hạn mức đề ra thì cần chủ động xử lý, mời gọi các ngân hàng khác cùng tham gia đồng tài trợ cho dự án.

"Con số giảm giới hạn khoảng 2%/năm không có gì khó khăn cả. Nếu dự án tốt hoàn toàn có thể đặt vấn đề với các ngân hàng khác để đồng tài trợ. Sợ nhất là các doanh nghiệp khó khăn không có khả năng trả nợ", ông Hùng cho hay. 

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng hợp vốn và tham gia quản trị, đánh giá dự án cũng làm tăng tính minh bạch và hiệu quả của dự án bởi đôi khi các ngân hàng thậm chí còn lo hơn cả doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp cũng thấy rằng không phải chỉ đi với một ngân hàng mà có thể đi với nhiều ngân hàng khác nhau để mang lại hiệu quả cho dự án, ông Hùng nhìn nhận.

Đồng thời, các ngân hàng cần “tự lượng sức mình” khi cho vay các khoản mới, còn với các khoản cũ thì cần lộ trình để thực hiện. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức tín dụng rà soát các dự án lớn. Bản thân các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có công ty con thì cần cơ cấu lại, nếu thấy vượt quá giới hạn thì các ngân hàng cũng cần nghĩ đến việc chia sẻ dự án thay vì “ôm tất”.

Theo ông, điều quan trọng nhất vẫn là liệu dự án đó thực sự có hiệu quả,lộ trình 5 năm để các ngân hàng triển khai giảm giới hạn cấp tín dụng cũng phù hợp. Ông kỳ vọng các ngân hàng đoàn kết triển khai cho vay để người dân dù ở đâu đều được tiếp cận vốn như nhau và với các dự án lớn không sợ thiếu vốn.

Tuy nhiên, Tổng thư ký VNBA cũng thừa nhận quy định này nhằm  xử lý nhóm lợi ích sân sau là rất khó và đây chỉ là một cảnh báo để các ngân hàng, doanh nghiệp giảm dần điều đó.

Những quy định là hữu hình còn trong quá trình thực thi các cá nhân, đối tượng lách luật bằng các thủ đoạn vô hình như nhờ người đứng tên sở hữu, thành lập pháp nhân mới,... Dù vậy, những quy định cơ bản Luật Các Tổ chức tín dụng kỳ vọng cũng sẽ hạn chế việc cho vay sân sau của các ngân hàng.

Hạ An

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường