Tổng thống Trump: Mỹ sẽ cắt đứt mối quan hệ với WHO
Bloomberg trích lời Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29/5: "Chúng ta đã nêu chi tiết những cải cách mà WHO phải thực hiện và liên lạc với họ trực tiếp, nhưng họ đã từ chối hành động. Từ hôm nay chúng ta sẽ cắt đứt mối quan hệ với WHO".
Đi kèm với thông báo, ông Trump cũng đưa ra một loạt các chỉ trích đối với chính phủ Trung Quốc, từ hoạt động thương mại cho đến các động thái làm tổn hại quyền tự trị của Hong Kong.
Trước đó, ông Trump đã ngừng cấp viện trợ cho WHO, phàn nàn rằng tổ chức này đã cùng Trung Quốc che giấu mức độ rủi ro do đại dịch COVID-19.
Rất nhanh chóng, quyết định của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp và các tổ chức tham gia cuộc chiến chống COVID-19.
"Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người dân Mỹ, cắt đứt mối quan hệ với WHO không mang lại ý nghĩa gì, mà còn khiến việc tìm ra lối thoát khỏi khủng hoảng y tế công cộng này càng khó khăn hơn", ông Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết.
"Hành động vô nghĩa này sẽ có tác động lớn, tạo ra hậu quả ngay bây giờ và cho tương lai, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các cuộc thử nghiệm để phát triển vắc xin và thuốc chữa COVID-19 trên toàn thế giới".
Ông Lamar Alexander, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện cũng không đồng ý với quyết định của ông Trump.
"Dĩ nhiên chúng ta cần phải xem xét kĩ càng những lỗi lầm mà WHO có thể đã mắc phải khi đối phó với COVID-19. Nhưng thời điểm cho chuyện này là sau khi đại dịch đã được kiểm soát, không phải là khi nó đang hoành hành", ông Alexander phát biểu.
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám định, nói trong một tuyên bố: "WHO đáng ra nên quyết đoán hơn với Trung Quốc và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu sớm hơn. Nhưng tổ chức này đang thực hiện một chức năng thiết yếu và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của chúng ta, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại".
Hiện vẫn chưa rõ làm cách nào để ông Trump thực hiện quyết định của mình, hoặc nước Mỹ có thể rút khỏi hiệp ước mà họ đã kí để tham gia WHO sớm đến đâu.
Trong ngắn hạn, lời đe dọa từ ông Trump có thể có nghĩa rằng quyết định đình chỉ cấp tài trợ cho WHO mà ông đưa ra trước đó sẽ kéo dài vô thời hạn.
Khác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (Unesco) mà Mỹ chính thức rời đi vào năm 2019, WHO không có cơ chế chính thức để một thành viên rời bỏ, theo ông Richard Gowan, một giám đốc của Liên Hợp Quốc.
"Có lẽ những người sáng lập WHO, bao gồm cả Mỹ, đã nghĩ rằng sẽ thật phi lí khi tưởng tượng sẽ có bất kì quốc gia nào muốn rời bỏ tổ chức này. Về mặt thực tế, Mỹ đơn giản có thể ngừng tất cả các khoản thanh toán cho WHO. Theo lí thuyết, hành động này sẽ dẫn đến việc Mỹ mất quyền bỏ phiếu", ông Richard cho biết.
Các quan chức WHO tại Geneva chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc rằng họ đã chậm trễ trong việc cảnh báo cho WHO và thế giới về mối đe dọa của COVID-19.
"WHO cần độc lập với Trung Quốc"
Trước đây, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, cung cấp 400 – 500 triệu USD dưới dạng đóng góp bắt buộc và tự nguyện.
Vào ngày 18/5, ông Trump đã gửi thư đến Tổng giám đốc WHO, nêu chi tiết những bất bình của ông và đe dọa vĩnh viễn ngừng tài trợ cho cơ quan này. Trong lá thư, ông Trump kêu gọi WHO "thể hiện tính độc lập với Trung Quốc".
Tuy nhiên, ngay cả lời đe dọa này cũng có những kẽ hở. Vào thời điểm này, Bộ trưởng Ngoại giao Michael Pompeo vẫn khuyến nghị Mỹ tiếp tục tài trợ cho các chương trình của WHO nhắm đối phó với bệnh bại liệt và COVID-19 ở 7 quốc gia: Afghanistan, Ai Cập, Libya, Pakistan, Sudan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Alexandra Phelan, trợ lí giáo sư tại Đại học Georgetown cho biết ông Trump chưa chắc đã có quyền để rút Mỹ khỏi WHO. Một số người cho rằng tổng thống Mỹ "có quyền lực để rút khỏi các hiệp ước", số khác thì cho rằng quyết định này "cần phải được Quốc hội chấp thuận".