|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp
[ Live ]

Tổng Giám đốc Viglacera: Kế hoạch triển khai mới 2.000 ha KCN tương đối khả thi

11:00 | 26/04/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera cho biết, thị trường bất động sản thời gian gần đây đang gặp vấn đề, tốc độ tiêu thụ vật liệu của công ty từ đầu tháng 4 đến nay đang bị chậm lại.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 Viglacera tổ chức sáng 26/4. (Ảnh: Hà Lê).

Sáng ngày 26/4, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022. Tính đến 8 giờ 45 phút, đại hội có sự tham dự của 61 cổ đông, đại diện cho 419.777.092 cổ phần, chiếm 93,63% số cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cả dự trực tiếp và ủy quyền).

Báo cáo tại đại hội, HĐQT Công ty cho biết, năm 2021, lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty đạt 1.541 tỷ đồng, đạt 154% kế hoạch năm. Trong đó lợi nhuận của công ty mẹ đạt 1.149 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch năm 2021. Đây là năm đầu tiên lợi nhuận công ty mẹ VGC đạt trên 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận của tổng công ty cao nhất trong lịch sử hoạt động. 

Kế hoạch lãi trước thuế 1.700 tỷ đồng

(Nguồn: H.L tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Viglacera). 

Tại Đại hội sáng nay, HĐQT Viglacera trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 10% so với thực hiện năm 2021.

Riêng công ty mẹ, Viglacera dự kiến doanh thu năm nay đạt 6.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 4% so với năm 2021. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% (năm 2021 là 15%).

Đầu tư mới 2.000 ha KCN

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, đối với lĩnh vực vật liệu, Viglacera sẽ tập trung triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile vào khai thác đúng tiến độ, phát triển dòng sản phẩm mới kích thước lớn, cao cấp đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của CTCP Viglacera Tiên Sơn.

VGC cũng lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư vào các dự án như Nhà máy kinh nổi siêu trắng Phú Mỹ Giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày và dự án Sản xuất nắp bệt và phụ kiện sứ vệ sinh,...

Đối với lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai như: Hải Yên, Đông Mai - Quảng Ninh; Phú Hà GĐ1- Phú Thọ; Tiền Hải - Thái bình; Đồng Văn IV GĐ1, GĐ2 – Hà Nam; Yên Phong IIC và Yên phong mở rộng - Bắc Ninh; Phong Điền – Huế; Yên Mỹ - Hưng Yên.

Bên cạnh đó sẽ khởi công mới, thực hiện đầu tư Khu công nghiệp Thuận Thành I (gần 263 ha) tại Bắc Ninh.

Ngoài ra, VGC cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục chuẩn bị để triển khai đầu tư các khu công nghiệp mới, gồm: Đồng Nai mở rộng - Quảng Ninh (145 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (329 ha), mở rộng KCN Phú Hà - Phú Thọ (100 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Khu A KCN Phong Điền - Thừa Thiên Huế (120 ha)… 

Song song với đó, công ty sẽ thành lập các pháp nhân mới để triển khai các dự án đầu tư KCN mới tại các địa phương Phú Thọ (450 ha), Quảng Ninh (425 ha), Thái Nguyên (900 ha, trong đó 700 ha KCN và 200 ha Đô thị - dịch vụ), Yên Bái (380 ha), Lạng Sơn (560 ha), Khánh Hòa (290 ha), cùng các KCN tại phía Nam khác.

Với mảng khu đô thị và nhà ở, Viglacera dự kiến khởi công mới các dự án nhà ở công nhân tại KCN Đông Mai, KCN Hải Yên; Khảo sát, chuẩn bị đầu tư phát triển các dự án khu nhà ở xã hội tại Phú Thọ, Khu đô thị tại Quảng Ninh; Khu nhà ở công nhân tại Thái Bình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho biết thời gian tới sẽ khảo sát, tìm kiếm phát triển các quỹ đất mới để đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, Viglacera lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.

Tăng vốn điều lệ tại các công ty thành viên

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo Viglacera trình cổ đông thông qua phương an tăng vốn của Công ty ViMariral – CTCP từ 10 triệu USD lên 19 triệu USD (VGC nắm giữ tối thiểu 99,94% vốn) để thực hiện đầu tư dự án phát triển hạ tầng KCN ViMariel. 

Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) lên 1.886 tỷ đồng (VGC nắm giữ 55% vốn) để triển khai đầu tư nhà máy giai đoạn 2 (công suất 900 tấn/ngày).

Ở chiều ngược lại, Viglacera cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không hiệu quả trong lĩnh vực gạch ngói đất sét nung, như CTCP Gạch ngói Từ Sơn, CTCP Gốm xây dựng Yên Hưng, CTCP Từ Liêm,…

Phần thảo luận:

Kế hoạch thu thu năm 2022 chia cho từng mảng khoảng bao nhiêu? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera: Năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Nó khác với tình hình của quý I/2022 đang rất tốt. Lĩnh vực của công ty liên quan rất nhiều đến mảng bất động sản. Nhìn chung, qua quan sát mấy ngày gần đây cho thấy thị trường bất động sản đang gặp vấn đề, tốc độ tiêu thụ vật liệu của công ty từ đầu tháng 4 đến nay đang bị chậm lại.

Về tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực vật liệu, chúng tôi đang phấn đấu là 50 – 50. Trong đó, 50% từ lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là khu công nghiệp) và 50% từ lĩnh vực vật liệu. Riêng trong lĩnh vực vật liệu chúng tôi sẽ tập trung vào mảnh kính. Ngoài ra, năm 2022 công ty sẽ ăn được hưởng trọn lợi nhuận của Kính Phú Mỹ, năm ngoái đã nâng tỷ lệ sở hữu của VGC tại công ty này lên 65%.

Lợi nhuận quý I/2022 tăng trưởng, nguyên nhân đến từ những mảng nào? Kỳ vọng trong các quý còn lại trong năm vẫn đạt như kế hoạch hay vượt?

Ông Tuấn: Chúng tôi dự báo tình hình quý II và quý III vẫn sẽ bị ảnh hưởng nặng do thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn do tín dụng bị thắt chặt và trái phiếu cũng bị siết chặt. Do đó, công ty tính phương án ở mức độ an tòa. Những con số chúng tôi đã cam kết với ĐHĐCĐ sẽ cố gắng thực hiện vượt. Chúng tôi tính cả tình hình tốt và xấu để có dự phòng, nếu tính bức tranh màu hồng quá thì các giải pháp không phù hợp. Lợi nhuận công ty mẹ đặt ra năm nay là 1.200 tỷ đồng nhưng so với kế hoạch năm 2021 đã vượt khoảng 60%.

Định hướng dài hạn của mảng gạch sét đất nung, có thoái vốn hoàn toàn hay không? Lộ trình thế nào?

Ông Tuấn: Các đơn vị trong nhóm gạch ngói đang rất khó khăn, do trong xây dựng người ta hiện đang sử dụng kính là chủ yếu. Do đó, nhu cầu sử dụng gạch nung có giảm đi, ngoài ra còn có những vật liệu khác thay thế như gạch không nung. Bản thân Tổng công ty cũng đã có những vật liệu thay thế bằng những vật liệu nhẹ, thi công nhanh, cách âm cách nhiệt tốt,… Vấn đề thứ hai nữa là quản lý về tài nguyên, môi trường, đặc biệt là chi phí vận tải lớn.

Từ những yếu tố này cho thấy khả năng cạnh tranh của gạch đỏ đang rất thấp. Do đó, công ty sẽ chuyển các đơn vị sản xuất gạch nói đất sét nung sang các sản phẩn mỏng như gạch lát, gạch nem, ngói,… Tăng tỷ lệ vật liệu mỏng thay thế gạch xây vì gạch xây hiệu quả rất thấp.

Các đơn vị này chúng tôi đã trình phương án tái cơ cấu và sẽ tiến hành thoái vốn, trừ đơn vị Hạ Long đang kinh doanh tốt. Còn các đơn vị thoái như thế nào cũng phải cân nhắc. Vì các đơn vị thoái đang nằm trong nội đô, theo Luật Đất đai cũ thì các mảnh đất nhà máy cũ sau khi di chuyển thì phải đấu giá chọn lại chủ đầu tư. Hiện chúng tôi đang chờ sửa Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo hướng cởi mở hơn. Những mảnh nào không có khả năng để chuyển thành dự án đô thị sẽ tiến hành thoái nhanh và ngược lại, những mảnh thấy có khả năng sẽ lùi thoái vốn lại.

Kế hoạch triển khai mới 2.000 ha KCN có khả thi hay không?

Ông Tuấn: Để làm một dự án bất động sản thường mất khoảng 3 – 5 năm. Giai đoạn hiện nay các tỉnh và thành phố đang lập quy hoạch tầm nhìn đến 2030. Sau khi có quy hoạch, đây là cơ hội để công ty nhanh chóng đăng ký và tiến hành các thủ tục đấu thầu chủ đầu tư.

Hiện chúng tôi đang tích cực đi làm việc với các địa phương và được các địa phương chào đón. Mức 2.000 ha là mức tương đối khả thi, tất nhiên là đang ở bước tài trợ quy hoạch, còn phải chờ rất lâu mới được giao làm chủ đầu tư. Tức là ở đây chưa phải công ty đã được giao 2.000 ha đất. 

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Hà Lê