|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng giám đốc SMC ngồi 'ghế nóng' tại Thép Nam Kim

10:12 | 11/07/2019
Chia sẻ
Ông Võ Hoàng Vũ ngồi ghế Tổng giám đốc Nam Kim trong hoàn cảnh hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn, giá cổ phiếu lao xuống đáy ba năm.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc với ông Võ Hoàng Vũ (sinh năm 1978) từ ngày 10/7 thay thế cho ông Phạm Mạnh Hùng.

Ông Võ Hoàng Vũ, nguyên quán Quảng Ngãi, trình độ học vấn cử nhân Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Ông Vũ mới được bầu vào thành viên HĐQT Nam Kim nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua.

Ông Vũ cũng được biết đến với vai trò thành viên HĐQT, Tổng giám đốc tại CTCP Đầu tư – Thương mại SMC, cổ đông lớn tại Nam Kim.

Ông Võ Hoàng Vũ gia nhập SMC từ năm 2002, đến năm 2008 được đề bạt vào vị trí Phó Tổng giám đốc, vào HĐQT SMC từ năm 2011. Ông phụ trách hoạt động kinh doanh thép tấm – lá, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất trong toàn hệ thống SMC…

DH2019_5

Ông Võ Hoàng Vũ vừa đảm nhận vị trí CEO Thép Nam Kim (Ảnh: SMC)

Vừa qua, ông Vũ đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu NKG trong hoàn cảnh giá cổ phiếu giảm hơn 17% trong quý II. Cùng với đó, phía SMC cũng đang ký mua vào 6,3 triệu cổ phiếu NKG trong giai đoạn cuối tháng 7 đầu tháng 8; bà Trần Ngọc Diệu, Phó TGĐ Nam Kim đăng ký mua vào 1 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q, công ty riêng của Chủ tịch Hồ Minh Quang vừa thông báo bán xong 19 triệu cổ phiếu NKG, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,77%.

Sau năm 2018 kinh doanh bết bát chỉ đạt doanh thu thuần 14.812 tỉ đồng (tương đương 87% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế 57 tỉ đồng (chưa đầy 8% kế hoạch). Nam Kim dự báo khó khăn của ngành sẽ chưa thôi đeo bám công ty trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu 15.500 tỉ đồng (tăng trưởng 5%) và lợi nhuận sau thuế 295 tỉ đồng (gấp hơn 5 lần năm ngoái). Sản lượng bán hàng dự kiến 870.000 tấn, giữ ở mức tương đương.

Một trong những chi tiết đáng chú ý của kế hoạch kinh doanh năm nay của Nam Kim và việc chuyển nhượng ba dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư.

Cụ thể, Nam Kim chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN Visip II – A, Bình Dương. Dự án này trước đây Nam Kim dự kiến xây một nhà máy liên doanh sản xuất mạ màu cho phân khúc hàng gia dụng, điện tử nhưng đến nay chưa triển khai. Hiện nay công ty đã ký hợp đồng chuyển  nhượng cho Chinasia Textile (một công ty Hồng Kông) và đang thực hiện các thủ tục liên quan, dự kiến hoàn thành trong quý II.

Chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 tại Thuận An – Bình Dương; nhà máy được xây dựng từ năm 2003 với công suất 500.000 tấn/năm gồm dây chuyền mạ kẽm, mạ màu công suất thấp. Các dây chuyền này Nam Kim đã ngừng sản xuất từ quý IV/2018 do công ty chuyển sản xuất mặt hàng này sang nhà máy Nam Kim 3 (Đồng An – Bình Dương), thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành.

Đồng thời quý II năm nay, Nam Kim đưa thêm một dây chuyền mã kẽm công suất 350.000 tấn/năm tại nhà máy Nam Kim 3 và hoạt động do đó vẫn đảm bảo sản lượng năm 2019. Nam Kim cho biết đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng để thực hiện các thủ tục liên quan, dự kiến hoàn thành chuyển nhượng dự án này vào cuối quý II.

Ngoài ra, Nam Kim cũng có kế hoạch chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất tại dự án KCN Mỹ Xuân B, Bà Rịa – Vũng Tàu (gần 33 ha). Dự án này ban đầu Nam Kim có kế hoạch nhà máy 5, nhưng do thị trường không thuận lợi, chủ trương của HĐQT là dừng đầu tư các dự án. Công ty cũng đang xúc tiến chào bán cho các đối tác, dự kiến hoàn thành trong quý IV.

Theo tính toán của Nam Kim, với việc chuyển nhượng ba dự án trên, công ty dự kiến thu về khoảng 850 tỉ đồng. Số tiền này được sử dụng với mục đích giảm dư nợ trung hạn và giảm chi phí tài chính…

Đông A