|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: TPBank chưa đặt vấn đề giảm kế hoạch lợi nhuận

15:58 | 28/07/2021
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết với 92% tổng số giao dịch là trên nền tảng số, TPBank đã tiết kiệm được rất nhiều, chi phí chỉ khoảng bằng 1/30 hoặc 1/50 so với chi phí truyền thống khi phải duy trì bằng con người.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng: TPBank chưa đặt vấn đề giảm kế hoạch lợi nhuận - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh chụp màn hình).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó, ngành ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại về kế hoạch kinh doanh của các nhà băng năm nay.

Tại chương trình “Ngành ngân hàng - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” sáng nay (28/7), ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) cho biết rằng đến thời điểm hiện tại, TPBank chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận.

"Trong tháng 7 và tháng 8, ảnh hưởng của dịch bệnh là rất rõ ràng và có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng cả năm. Song, chúng tôi đã phần nào lường trước được những ảnh hưởng này", vị tổng giám đốc cho hay.

Vào đâu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng không phải chuyển nhóm nợ sang nợ xấu, tuy nhiên phải trích lập dự phòng như chưa tái cơ cấu. 

"Ở đây, chỉ có một ân huệ đó là cho phép vẫn tính các khoản nợ xấu là nợ bình thường, còn ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng phần đó, để không ăn trước trả sau và đừng lạc quan quá về kế hoạch lợi nhuận", ông Hưng nói.

Thực tế, TPBank đã lường trước được vấn đề này. Trong kế hoạch kinh doanh đầu năm, ngân hàng đã ước con số phải trích lập bổ sung thêm cỡ vài trăm tỷ vào kế hoạch lợi nhuận. 

"Do đó, sẽ không có ảnh hưởng gì tới việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm", Tổng giám đốc TPBank khẳng định.

Trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, việc tiếp cận khách hàng, tiếp xúc tư vấn, làm dịch vụ.... sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, ông Hưng đánh giá ngân hàng lại tiết kiệm được nhiều chi phí, vì khả năng thích nghi của các nhà băng là tương đối tốt so với các ngành khác.

Ông cho biết gần như TPBank vẫn duy trì được các hoạt động như bình thường trên nền tảng online, chỉ những hoạt động phải tiếp xúc trực tiếp mới bị hạn chế.

Với 92% tổng số giao dịch là trên nền tảng số, TPBank đã tiết kiệm được rất nhiều, chi phí chỉ khoảng bằng 1/30 hoặc 1/50 so với chi phí truyền thống khi phải duy trì bằng con người. 

"Bên cạnh đó, những nghiệp vụ chính về sinh lời, kể cả trên những kênh đầu tư, các mạng dịch vụ trên thị trường tiền tệ, tỷ giá... vẫn có những cơ hội tốt", theo ông Hưng.

TPBank không quá lo lắng về tăng trưởng tín dụng

Tại sự kiện, có ý kiến của nhà đầu tư lo ngại rằng 70 - 80% lợi nhuận các ngân hàng đến từ tín dụng; trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng và tác động tiêu cực tới kế hoạch lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi này, TGĐ Nguyễn Hưng cho biết TPBank không quá lo lắng về tăng trưởng tín dụng.

Thực tế mà nói, "room" tín dụng hiện tại là không dồi dào, có thể nói là khá ít. Rõ ràng với việc nới room đợt hai là vài %, thì kể cả là dịch bệnh, các ngân hàng vẫn đang còn thiếu

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng

"Trong kịch bản kế hoạch năm nay, TPBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá cao, mà tập trung làm thế nào để giảm giá thành, chi phí; thậm chí xác định trước lãi suất cho vay sẽ phải hạ", ông chia sẻ.

Mặc dù, tình hình dịch bệnh gần đây có thể đã vượt quá so với kịch bản ngân hàng đưa ra. Tuy nhiên, vị tổng giám đốc tin rằng trước mắt, nếu tình hình căng thẳng không kéo dài quá 1-2 tháng, thì vẫn trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế và ngành ngân hàng.

Lê Huy