|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao nhiều ngân hàng lại chọn thời điểm này để tăng vốn?

15:17 | 28/07/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết thời điểm hiện tại có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tăng vốn của các ngân hàng. Đồng thời cho biết khả năng sinh lời của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cao và an toàn so với các kênh đầu tư khác.

Trong buổi Tư vấn đầu tư chủ đề "Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn" trên VTV24 Money mới đây, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng hiện nay.

Tại sao nhiều ngân hàng lại chọn thời điểm này để tăng vốn?  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank. (Ảnh: BTC sự kiện).

Tổng Giám đốc TPBank nhận định đây là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng tăng vốn. Cụ thể, kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng vẫn rất khả quan bất chấp những ảnh hưởng của COVID-19 trong năm 2020 và đầu năm 2021. 

"Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào khả năng sinh lời thông qua đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác", ông nói.

Cùng với đó, việc tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu mới, phát hành riêng lẻ hay thậm chí giữ lại lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện nay đang thuận lợi so với trước đây. 

Ông cho biết các năm trước hệ số sinh lời của các ngân hàng (ROE) thấp hơn so với bây giờ. Trước đây chỉ khoảng 10% nhưng hiện nay trung bình ngành là 15%, thậm chí có ngân hàng trên 20%. Như vậy, nếu tính hệ số sinh lời và P/E như vậy thì khá thấp và các nhà đầu tư sẽ dễ hấp thụ khi ngân hàng muốn phát hành cổ phiếu mới hay chia cổ tức bằng cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hưng nhận định ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế bắt buộc phải tăng vốn để có cơ hội được tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Nhu cầu cấp thiết về tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến chuyện được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nên các ngân hàng cần tăng vốn càng sớm càng tốt.

"Theo thống kê của chúng tôi, phần lớn các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng lớn, mức hệ số an toàn vốn (CAR) chỉ nằm trong khoảng 9% đối với ngân hàng cổ phần. Đối với ngân hàng vốn Nhà nước thì hệ số này còn thấp hơn vì việc tăng vốn khó hơn do có nhiều các cơ chế điều tiết," ông Hưng chia sẻ.

Ông Hưng chia sẻ, mỗi khi các ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro như dư nợ hoặc danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hay các danh mục có rủi ro khác thì lượng vốn tự có cũng đòi hỏi phải tăng lên tương ứng và để duy trì CAR ở mức 8% (mức tối thiểu) thì vẫn chưa đạt yêu cầu.

Theo ông, một ngân hàng để được xếp hạng A theo quy định của NHNN và theo chuẩn CAMELS, thì phải duy trì hệ số CAR là 10% cho vốn cấp 1 và 12% cho vốn cấp 2. Nếu tiến tới Basel III, tỷ lệ vốn còn yêu cầu cao hơn (tăng thêm 2,5% so với trước) và những yêu cầu về vốn cấp 1 cơ bản tức vốn tự có của ngân hàng cũng nâng cao hơn.

Tổng Giám đốc TPBank cho rằng chỉ khi một ngân hàng có quy mô và vốn tự có lớn mới có sức chống chịu trước các biến động của thị trường và có cơ hội tăng trưởng.

Cùng chia sẻ tại buổi tư vấn, bà Hoàng Việt Phương Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI nhận định áp lực tăng vốn cũng gia tăng khi ngân hàng Việt mới chỉ áp dụng đến Basel II trong khi các nước trong khu vực phần lớn đã tiến đến Basel III.

Đồng thời, việc tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện tại đang không theo kịp mức độ tăng trưởng của tài sản rủi ro. Bà lấy ví dụ một ngân hàng lớn hiện nay của Việt Nam đã không đạt được tiêu chuẩn Basel II do chưa đc phê duyệt tăng vốn.

Bà đánh giá tăng vốn là một trong hai thách thức lớn mà các ngân hàng Việt cần phải giải quyết để có thể tăng trưởng trong thời gian tới.

Phương Nga