|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tổng dư nợ một lĩnh vực chiếm gần 70% dư nợ tín dụng nền kinh tế

14:09 | 08/01/2025
Chia sẻ
Tín dụng tập trung vào các ngành chủ yếu như công nghiệp và xây dựng, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, trong khi tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và công nghệ cao cũng có mức tăng trưởng đáng kể.

Thương mại dịch vụ chiếm gần 70% dư nợ tín dụng nền kinh tế

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngày 7/1, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 15,08%, đã đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tính đến cuối 2024, tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 15,3 triệu tỷ, tăng hơn 2 triệu tỷ so với cuối năm 2023 (13,6 triệu tỷ).

Tính đến cuối tháng 11/2024, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,46% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,1% so với cuối năm 2022; cuối năm 2023 tăng 6,97% so với cuối năm 2022), chiếm 6,68% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,51% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,44% so với cuối năm 2022; cuối năm 2023 tăng 10,29% so với cuối năm 2022), chiếm 25,04% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ tăng 13,29% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,72% so với cuối năm 2022; cuối năm 2023 tăng 15,94% so với cuối năm 2022), chiếm 68,28% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Với lĩnh vực bất động sản (BĐS), tính đến cuối tháng 10, dư nợ tín dụng BĐS tăng 13,43% so với cuối năm 2023, chiếm 21,91% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng BĐS phục vụ mục đích tự sử dụng, chiếm 59,45% dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 8,55% so với cuối năm 2023.

 Năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 15,08%, đã đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm (15%).

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên

Cập nhật đến cuối tháng 11/2024, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2023 và chiếm 23,53% tổng dư nợ nền kinh tế (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,31% so với cuối năm 2022; cuối năm 2023 tăng 11,56% so với cuối năm 2022).

Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với 31/12/2023, chiếm 17,39% tổng dư nợ nền kinh tế (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,33% so với cuối năm 2022, cuối năm 2023 tăng 13,52% so với cuối năm 2022).

Trước đó ghi nhận vào cuối tháng 10/2024, dư nợ tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 1,58% so với cuối năm 2023, chiếm 2,09% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,51% so với cuối năm 2022).

Dư nợ tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 21,57% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng 3,04% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế (cùng kỳ năm 2023 tăng 20,09% so với cuối năm 2022).

Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 29,54% so với cuối năm 2023, chiếm 0,39% tổng dư nợ nền kinh tế (cùng kỳ năm 2023 tăng 18,44% so với cuối năm 2022).

 

Minh Nguyệt