Tổng Điều tra kinh tế năm 2017: Xem xét tác động chính sách tới doanh nghiệp
|
Tại cuộc TĐTKT này, nhiều số liệu quan trọng sẽ được thống kê chính xác để phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc triển khai thực hiện cuộc TĐTKT này.
Thưa ông, mục tiêu của cuộc TĐTKT lần này có gì đáng lưu ý so với các cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp (CSKT HCSN) trước đây?
So với các cuộc tổng điều tra trước đây, số lượng các CSKT trên cả nước đã thay đổi đáng kể. Nhiều doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp giải thể, nhiều đơn vị mới được hình thành, được chia tách. Các ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Chính vì vậy cuộc TĐTKT lần này sẽ mở rộng thêm một số chỉ tiêu nhằm đánh giá sâu hơn kết quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu và sự phân bố của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu… trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như ở mỗi vùng, địa phương.
Đối với DN, TĐTKT cũng xem xét tác động chính sách của Nhà nước ta đối với các khu vực DN, đặc biệt là hoạt động gia công lắp ráp hàng hóa với nước ngoài. Đặc biệt, TĐTKT năm 2017 có nhiệm vụ quan trọng đó là tính toán những chỉ tiêu thống kê chủ yếu năm 2016 – năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tính toán GDP của toàn quốc và GRDP của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
Xin ông cho biết về phương án và cách thức thực hiện cuộc tổng điều tra lớn nhất năm 2017 này?
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ban hành phương án Tổng điều tra và cách thức tiến hành. Triển khai nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã gửi công văn hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo TĐTKT các cấp từ Trung ương đến địa phương, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo TĐTKT Trung ương. Phương án TĐTKT sẽ được Ban Chỉ đạo Trung ương dự thảo trên cơ sở Quyết định TĐTKT của Thủ tướng, kế thừa nội dung các cuộc tổng điều tra trước, khắc phục những bất cập hạn chế và cập nhật những thay đổi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm qua.
TĐTKT năm 2017 sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: Từ ngày 01/03/2017 đối với khối DN và HCSN, từ ngày 01/7/2017 đối với khối cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tôn giáo tín ngưỡng. Cuối năm 2017, kết quả sơ bộ sẽ được công bố.
Một trong những nội dung quan trọng trong TĐTKT phải thực hiện là thông tin chuyên đề về DN. Những thông tin này có ý nghĩa như thế nào trong việc đánh giá sức khỏe DN?
Cũng như tổng điều tra CSKT HCSN năm 2012, TĐTKT năm 2017 sẽ tiến hành khâu rà soát danh sách DN để thống nhất con số giữa các ngành kế hoạch đầu tư, thuế và thống kê liên quan đến số lượng DN theo các tình trạng hoạt động thực tế.
Kết quả rà soát rất quan trọng, thể hiện bức tranh thực tế về DN, đồng thời là điểm bắt đầu cho khâu thu thập thông tin. Các nhóm thông tin cơ bản về lao động, kết quả sản xuất kinh doanh sẽ cho biết hiệu quả hoạt động của các khu vực DN nhà nước, ngoài nhà nước, FDI, DN vừa và nhỏ, hợp tác xã.
Ngoài ra, TĐTKT năm 2017 cũng thu thập thông tin chuyên đề về tiếp cận nguồn vốn của các DN, đổi mới công nghệ của các DN chế biến chế tạo, gia công, lắp ráp hàng hóa với nước ngoài. Những thông tin này sẽ cho thấy bức tranh về hiệu quả hoạt động của DN, hội nhập kinh tế và khả năng cạnh tranh của DN trong nước trước sức ép hội nhập hiện nay.