Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam: Đổ bể dự án hợp tác kinh doanh
Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, một phần diện tích đất hai bên cổng ra/vào phía mặt đường Trần Quốc Hoàn - Công ty Quản lý bay miền Nam được dùng làm nhà trưng bày sản phẩm cơ khí dân dụng và nhà hàng ăn uống.
Long đong
Hợp đồng hợp tác kinh doanh tại số 22 - Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tận Bình, TP.HCM giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Công ty TNHH Thương mại công nghiệp T.A rất có thể có một cái kết không như mong muốn của hai bên.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 6223/BGTVT - QLDN chỉ đạo VATM đàm phán với nhà đầu tư dừng triển khai thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 2952/HĐ - QLB ngày 31/5/2017 theo các điều khoản hợp đồng đã ký.
“Giao Cục Hàng không Việt Nam đôn đốc, chỉ đạo VATM triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Công văn số 6223 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ.
Lý do được Bộ GTVT dẫn chiếu để đưa ra chủ trương này là phạm vi khu đất trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 2952/HĐ - QLB tại khu đất 22 - Trần Quốc Hoàn nằm trong phạm vi Đài Kiểm soát không lưu, đài rada Tân Sơn Nhất thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia ban hành kèm Quyết định số 809/QĐ - TTg ngày 5/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, phạm vi hợp tác sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các công trình phục vụ mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Được biết, chủ trương dừng hợp đồng hợp tác của Bộ GTVT chủ yếu xuất phát từ sự phản đối quyết liệt của Cục Hàng không Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, trong đó có lý do an ninh, an toàn hàng không.
Việc hợp tác khai thác một phần lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn của VATM có lịch sử kéo dài và diễn biến khá phức tạp khi vắt qua 3 đời Bộ trưởng Bộ GTVT, 2 đời Chủ tịch VATM, trong đó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam hiện nay cũng chính là Chủ tịch VATM trong giai đoạn doanh nghiệp này đề xuất hợp tác đầu tư lên cơ quan chủ quản.
Trên thực tế, VATM và Công ty T.A đã từng ký hợp đồng hợp tác khai thác một phần của lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn có diện tích khoảng 3.000 m2 vào tháng 11/2013 (Hợp đồng số 4313/HĐKT - QLB).
Điều đáng nói là, phương án hợp tác kinh doanh này khi đó chưa được Bộ GTVT cho phép theo quy định tại Điều lệ của VATM. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 71/2013/NĐ - CP ngày 11/7/2013, VATM (một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) không được góp vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trường hợp đặc biệt phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Với những lý do trên, tháng 7/2015, VATM và Công ty T.A đã chủ động thống nhất chấm dứt hiệu lực Hợp đồng số 4313, đồng thời xây dựng phương án kinh doanh mới xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, ngày 18/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2316/TTg - KTN đồng ý về chủ trương để Bộ GTVT khai thác 2 cơ sở nhà, đất của VATM tại 58 - Trường Sơn và 22 - Trần Quốc Hoàn (đều thuộc quận Tân Bình, TP.HCM) theo phương thức kêu gọi các nguồn lực kinh tế hợp tác kinh doanh bằng tài sản, cơ sở hạ tầng trên đất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sau đó 1 tháng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký Công văn số 1018/BGTVT - QLDN chấp thuận phương án hợp tác kinh doanh chi tiết khai thác quỹ đất tại số 22 - Trần Quốc Hoàn như đề nghị của VATM,
Đây là cơ sở mà Hội đồng Thành viên VATM tin là đã hội đủ các điều kiện pháp lý để xây dựng phương án hợp tác kinh doanh tại lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn và ký Hợp đồng số 2952/HĐ - QLB vào tháng 5/2017.
Rủi ro
Theo Hợp đồng hợp tác số 2952, VATM và đối tác sẽ sử dụng một phần diện tích đất hai bên cổng ra/vào phía mặt đường Trần Quốc Hoàn - Công ty Quản lý bay miền Nam (khoảng 4.700 m2) để làm nhà trưng bày sản phẩm cơ khí dân dụng và nhà hàng ăn uống.
Đây là một phần của lô đất rộng 62.000 m2, tiếp giáp 3 mặt đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyệt và đường Thăng Long, đang làm trụ sở của Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh), hệ thống tháp anten và khu thể thao.
Với lô đất này, VATM đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng thuê đất của UBND TP.HCM. Hàng năm, Tổng công ty phải nộp khoảng 44 tỷ đồng tiền thuê đất cho Thành phố.
Theo thỏa thuận giữa 2 bên, đối tác của VATM sẽ tự thu xếp nguồn vốn để xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình, dự kiến khoảng 218 tỷ đồng.
VATM góp khoảng 2 tỷ đồng bằng chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác. Đổi lại, VATM nhận được toàn bộ khu nhà hàng ăn uống dự kiến cho McDonalds thuê với diện tích khoảng 1.980 m2 sàn xây dựng và sẽ cho nhà đầu tư thuê lại theo giá trị trường.
Công ty T.A nhận toàn bộ công trình còn lại, gồm khu vực nhà trưng bày sản phẩm cơ khí dân dụng, bãi đậu xe.
Theo thông tin từ VATM, cuối tháng 8/2018, liên doanh này đã hoàn thiện dự án đầu tư để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhận xong giấy phép xây dựng.
Đầu tháng 9/2018, Công ty T.A đã nhận bàn giao mặt bằng, hoàn thiện toàn bộ thủ tục đầu tư và tiến hành khởi công xây dựng công trình.
Tuy nhiên, ngày 21/9/2018, Cục Hàng không Việt Nam có Văn bản số 3799/CHK - ANHK về việc lập hồ sơ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó có nội dung yêu cầu VATM chỉ đạo các công ty quản lý công trình Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ATCC Hà Nội) và AACC Hồ Chí Minh không được thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng công trình trên để lập hồ sơ đề nghị đưa 2 công trình trên vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Đáp lại, VATM có Văn bản số 474/BC- HĐTV báo cáo Bộ GTVT về tình hình quản lý, sử dụng đất và Hợp đồng hợp tác tại 22 - Trần Quốc Hoàn. Theo đó, VATM đề nghị Bộ GTVT cho phép đơn vị này triển khai lập hồ sơ để đưa công trình ATCC Hà Nội và AACC Hồ Chí Minh vào danh mục công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, tạm thời không bao gồm khu đất dự phòng phía trước khu nhà AACC Hồ Chí Minh tại thời điểm này.
VATM kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục giữ lại phần đất dự phòng phía trước và triển khai phương án hợp tác kinh doanh đã được phê duyệt nhằm giữ quỹ đất dự phòng cho phát triển trong tương lai, đồng thời giảm chi phí sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và thực hiện yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam, VATM đã thông báo tới đối tác về việc tạm dừng triển khai Hợp đồng hợp tác số 2925 kể từ tháng 10/2018.
Cần phải nói thêm, trong khi Cục Hàng không Việt Nam một mực cho rằng, không nên thực hiện việc hợp tác kinh doanh với khu đất 22 - Trần Quốc Hoàn, với lý do chủ yếu là có thể dẫn tới nguy cơ mất an ninh cho các công trình quản lý điều hành bay, VATM lại khẳng định là, đã cân nhắc kỹ lưỡng và xử lý ổn thỏa yếu tố an ninh, an toàn.
Trong văn bản mới nhất gửi tới Bộ GTVT vào giữa tháng 6/2019, VATM khẳng định, việc ký kết, triển khai Hợp đồng hợp tác số 2925 là phù hợp với quy định của pháp luật, tuân thủ sự chỉ đạo của Bộ GTVT.
Ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc VATM khẳng định, khu đất hợp tác kinh doanh được xác định không có ảnh hưởng đến phạm vi công trình bảo vệ an ninh quốc gia đối với AACC Hồ Chí Minh.
Hành lang bảo vệ công trình là toàn bộ khuôn viên công trình từ cổng, hàng rào trở vào (không bao gồm khu đất thương mại, dịch vụ).
Khoảng cách từ công trình đến các công trình đảm bảo bay khoảng trên 30 m, đáp ứng quy định an ninh, an toàn (tương đương khoảng cách công trình dân dụng xung quanh AACC Hồ Chí Minh, cũng như đến khu vực đường giao thông bên ngoài.
Lãnh đạo VATM cho biết, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn gấp đôi khoảng cách giữa ATCC Hà Nội với công trình giao thông bên ngoài (12 m).
Một lãnh đạo VATM cho biết, các bên liên quan đến Hợp đồng hợp tác này đang hết sức lúng túng với chỉ đạo mới đây của Bộ GTVT, bởi về cơ bản, hợp đồng này hoàn toàn hợp pháp, nhất là khi đối tác của VATM đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để triển khai công trình trong suốt 2 năm qua, nếu lấy mốc là thời điểm Hợp đồng 2925 được ký kết.
Không rõ trong quá trình ký Hợp đồng, VATM có kịp cài điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp Hợp đồng hợp tác bị cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước yêu cầu chấm dứt hợp đồng hay không.
Nếu không, những rắc rối pháp lý giữa hai chủ thể hợp đồng sẽ không dễ dàng xử lý, nhất là khi lý do yêu cầu dừng triển khai hợp đồng chưa thực sự rõ ràng và vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi.
“Phương án kinh doanh để phát triển lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn có được tiếp tục triển khai hay không có lẽ cần sự phân xử của một cấp cao hơn, thay vì một văn bản chỉ đạo mang tính hành chính từ phía Bộ GTVT”, một chuyên gia cho biết.
Đưa một số công trình vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
Tại Quyết định số 809/TTg - QĐ ngày 5/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa công trình Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đài kiểm soát không lưu, Đài rada Nội Bài và công trình Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đài kiểm soát không lưu, Đài rada Tân Sơn Nhất vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ Công an lập kế hoạch, xây dựng phương án bảo vệ, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam và các bộ, ngành liên quan triển khai lực lượng, tính toán chi phí đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho công trình Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đài kiểm soát không lưu, Đài rada Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đài kiểm soát không lưu, Đài rada Tân Sơn Nhất.