|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn dưới thời ông Chu Tiến Dũng hoạt động ra sao?

09:46 | 05/11/2021
Chia sẻ
Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS( vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP HCM có tài sản mạnh và quỹ đất đắc địa. Tuy nhiên, dưới thời ông Chu Tiến Dũng, CNS được Cơ quan điều tra xác định có nhiều sai phạm liên quan tới hoạt động thoái vốn, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn dưới thời ông Chu Tiến Dũng: Thoái vốn khỏi doanh nghiệp sở hữu 'đất vàng', kết quả kinh doanh trồi sụt  - Ảnh 1.

Ông Chu Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc CNS. (Ảnh: Báo Người lao động).

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chu Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), cùng kế toán trưởng để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Dũng sinh năm 1962 , có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân ngành Vật lý, Kinh tế và Tin học. Ông từng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố HCM giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021).

Ông Chu Tiến Dũng từng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung trước khi về giữ chức Phó Tổng Giám đốc CNS theo quyết định số 207/QĐ-UBND-TC ngày 21/07/2014 của UBND TP HCM. Ngày 29/12/2014, ông Chu Tiến Dũng được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc CNS.

Trong giai đoạn điều hành CNS, cuối năm 2016, ông Dũng đã được bầu giữ chức danh Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) nhiệm kỳ 2016-2021.

Thoái vốn khỏi những doanh nghiệp sở hữu "đất vàng"

CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP HCM. Theo điều tra ban đầu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An xác định CNS đã mặc nhiều sai phạm trong hoạt động thoái vốn. Việc điều tra được tiến hành từ đầu năm 2019, tập trung điều tra hoạt động thoái vốn tại CTCP Điện tử Sài Gòn - Sagel, CTCP TIE và việc chuyển nhượng đất trái pháp luật thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoa Mai.

Đầu năm 2017, CNS đã bán toàn bộ 51% cổ phần sở hữu tại Điện tử Sài Gòn - Sagel với giá gần 21 tỷ đồng. Điện tử Sài Gòn - Sagel thời điểm đó sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP HCM, trong đó có lô đất tại 119 Phổ Quang, Quận Phú Nhuận, có diện tích hơn 15.000 m2, đây là khu đất nằm gần Công viên Gia Định - công viên lớn nhất TP HCM, gần Sân bay Tân Sơn Nhất và cách trung tâm quận 1 khoảng 4 km. 

Trước đó, CNS cũng đã tiến hành thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần TIE. Giai đoạn 2013 - 2015, TIE sở hữu nhiều bất động sản có giá trị nằm ở TP HCM, Phú Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo TIE thời điểm đó đã quyết định chuyển nhượng tài sản, đem tài sản góp vốn đầu tư vào các thỏa thuận hợp tác kinh doanh.

Năm 2015, TIE đem lô đất diện tích 4.506 m2 mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang góp vốn vào liên doanh Tiến Đạt – TIE, với tỷ lệ vốn góp 20%, tương đương 8,4 tỷ đồng. Đồng thời, TIE ghi nhận thu nhập giá trị gần 17,5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng 4.506 m2 đất nói trên cho Tiến Đạt – TIE. Theo báo cáo tài chính 2015, TIE ghi nhận mức giá chuyển nhượng 4.506 m2 cho Tiến Đạt – TIE là 24,54 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, TIE đã đem góp vốn hợp tác với Công ty cổ phần Ngôi nhà Mega để đầu tư xây dựng khu phức trên lô đất có diện tích 5.700m2 tại 52 Thành Thái, quận 10, TP HCM. Giá trị vốn góp của TIE trong Mega – TIE là 54,6 tỷ đồng, tương đương 26% vốn điều lệ. Tuy nhiên, TIE chỉ nắm 17,14% vốn của Mega - TIE với giá trị góp vốn là 36 tỷ đồng. 

Đến tháng 4/2017, TIE đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Mega TIE với giá 36 tỷ đồng theo chủ trương đã được thông qua vào tháng 12/2016.

Tại CNS, năm 2015, CNS hợp tác với đơn vị khác để lập ra Công ty TNHH kinh doanh thương mại dịch vụ Hoa Mai, sử dụng một số lô đất tại quận 3 và quận Bình Thạnh, TP HCM để góp vốn. Các lô đất này được định giá khoảng 60 tỷ đồng, trong khi giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm góp vốn là trên 200 triệu đồng/m2, có dấu hiệu gây thất thoát cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, theo Báo Người Lao động.

Đầu năm 2019, UBND TP HCM đã quyết định tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng đối với một số lô đất có nguồn gốc là tài sản của CNS do thoái vốn.

Kết quả kinh doanh trồi sụt dưới thời ông Chu Tiến Dũng

Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS) sở hữu tài sản lớn, đặc biệt là nhiều bất động sản đắc địa tại TP HCM và các địa phương khác. Tại thời điểm cuối năm 2014, CNS có tổng tài sản xấp xỉ 4.768 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 2.738 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối 523 tỷ đồng. Trong năm 2104, CNS ghi nhận 4.041 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ.

Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn dưới thời ông Chu Tiến Dũng hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Theo số liệu báo cáo tài chính CNS công bố, trong giai đoạn ông Dũng ngồi ghế điều hành, kết quả kinh doanh của của CNS cũng không có gì nổi bật, ngay cả khi doanh nghiệp thoái vốn khỏi các dự án bất động sản lớn trong giai đoạn thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ từ năm 2015.

Đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế của CNS đạt 244 tỷ đồng, tăng 55,7% so với năm trước, song vẫn thấp hơn 20% so với năm 2015. Giai đoạn này cũng chứng kiến các chi phí quản lý tại doanh nghiệp tăng mạnh hơn mức tăng trưởng doanh thu. 

Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn dưới thời ông Chu Tiến Dũng hoạt động ra sao? - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Tính đến cuối quý II/2021, CNS có vốn điều lệ 2.608 tỷ đồng; tổng tài sản là gần 4.700 tỷ đồng, chủ yếu là các tài sản cố định.

Tại thời điểm này, CNS vẫn còn 6 công ty con và 8 công ty liên doanh, liên kết; trong đó có nhiều công ty đang trong lộ trình thoái vốn, cổ phần hoá như Công ty TNHH MTV Phát triển Khu Công nghệ Cao TP HCM, Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất, Công ty CP Nhựa Sài Gòn...

Mặc dù kế hoạch được đề ra trong nhiều năm trước, nhưng việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể triển khai.

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH MTV Công viên Phần Mềm Quang Trung. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ tách khỏi CNS trong năm 2020. Song, đến nay, tỷ lệ sở hữu của CNS tại Công viên Phần Mềm Quang Trung vẫn giữ nguyên ở mức 85%. Điều này cũng xảy ra tương tự với CTCP Công nghiệp thực phẩm Hữu Nghị hay Nhựa Sài Gòn.

Lê Huy