|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt, người nuôi trắng tay sau một đêm

15:10 | 15/11/2020
Chia sẻ
Hơn 7 tháng qua, ngư dân nuôi tôm hùm tại Phú Yên lao đao do tôm không bán được bởi ảnh hưởng COVID-19 và khi tôm hùm vừa lên giá thì lại mất trắng vì tôm chết hàng loạt sau bão số 12.

Theo báo Người Lao động, UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết người nuôi tôm hùm ở địa phương đang bị thiệt hại rất nặng do tôm hùm chết hàng loạt.

Theo đó, có đến trên 1.500 lồng tôm hùm với hơn 350.000 con tôm của 169 hộ nuôi đã bị chết, thiệt hại hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, nặng nhất là phường Xuân Thành (thị xã Sông Cầu) với gần 262.000 con tôm hùm của 50 hộ nuôi bị chết, thiệt hại trên 23 tỉ đồng. Phần lớn tôm chết có kích cỡ 0,2 – 0,6 kg. 

Theo UBND thị xã Sông Cầu, chính quyền địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại để báo về tỉnh nhằm có chính sách hỗ trợ kịp thời để người nuôi tôm hùm giảm bớt khó khăn sau lũ.

Tôm hùm ở Phú Yên chết hàng loạt, người nuôi trắng tay sau một đêm - Ảnh 1.

Người nuôi tôm hùm tại Phú Yên khóc ngất khi thấy cảnh tôm chết hàng loạt. (Ảnh: Báo Người Lao động).

Chia sẻ với VOV, bà Hà Thị Lợi, ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu than thở, chỉ sau 1 đêm nước ngọt tràn vào, hơn 1.000 con tôm đã chết, gia đình bà mất gần 1 tỉ đồng.

“Gia đình vay vốn 300 triệu đồng nuôi tôm với số lượng lớn, nay tôm đến kì thu hoạch, nếu không có bão là đã bán được. Trước kia tôm nuôi đến khi bán đã bị ảnh hưởng của COVID-19 khiến không ai mua, nay tôm lại chết như vậy mất hết vốn liếng đầu tư và công sức 18 tháng trời”, bà Lợi xót xa.

Theo kinh nghiệm của các ngư dân, mỗi lần xảy ra bão, lũ, ngư dân thường đẩy bè ra xa, hạ chìm lồng xuống sâu thêm 1,5m để tôm tránh bị ngọt hóa.

Thế nhưng, sau bão số 12 vừa qua, lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhiều, cộng thêm triều cường nên mức nước ngọt tăng nhanh, ngư dân trở tay không kịp. Nhiều lồng đã hạ thấp để ứng phó nhưng tôm vẫn bị chết hàng loạt do sốc nước ngọt.

Theo VTV News, trong ngày 11 và 12, tôm hùm nuôi tại Vũng La, Vũng Chao nằm trên vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên chết hàng loạt mà theo ngư dân nguyên nhân là do tôm sốc nước ngọt do lũ. 

Chỉ riêng ở thôn Dân Phú 2, từ ngày 12 - 13/11, số tôm hùm chết đưa vào bờ lên đến 8,3 tấn. Đó chưa kể tôm hùm con đang ươm nuôi cũng chết hết. Sau lũ, gần 170 hộ dân nuôi tôm hùm ở 4 xã nằm ven vịnh Xuân Đài trắng tay.

Khó khăn chồng chất với người dân nuôi tôm hùm. Hơn 7 tháng qua, ngư dân nuôi tôm hùm lao đao do tôm không bán được bởi ảnh hưởng COVID-19 và khi tôm hùm vừa lên giá thì mất trắng vì tôm chết như thế này. 

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho báo VOV biết, lồng nuôi dày đặc, nước lũ về nhanh, nên người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển lồng nuôi đến vị trí an toàn.

“Chúng tôi nhận khuyết điểm khi trách nhiệm quản lí của chính quyền chưa đến nơi, đến chốn, để ra người dân tự phát trong vùng nuôi. Trước mắt chính quyền đề nghị bà con ổn định tinh thần và đảm bảo môi trường, toàn bộ tôm chết trên vịnh phải được đưa vào bờ hết, sau đó các hộ nuôi sẽ kê khai số lượng và đề xuất hướng hỗ trợ”, ông Dũng cho biết.

Còn theo báo Nhân dân, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết do ảnh hưởng nước lũ làm tôm bị sốc nước và chết. Tôm chết nhiều tập trung ở các lồng bè nằm gần cửa sông Tam Giang, sông Bắc Lục Khẩu.

Do lượng nước đổ ra các con sông này quá lớn, trong khi số lượng lồng nuôi quá dày, khó có thể di dời được.

Về chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu tôm, cá nuôi bị chết và mẫu nước vùng nuôi đi xét nghiệm để có kết luận chính xác. Đồng thời, Sở này chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp các địa phương và Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu thống kê thiệt hại, hướng dẫn người nuôi các biện pháp xử lí.

Ông Đào Mỹ, Bí thư Thị xã Sông Cầu, cho biết hiện nay chưa thể thống kê hết thiệt hại, nhưng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, thị xã chỉ đạo các phường tiếp tục giúp người nuôi kiểm đếm, khắc phục, có báo cáo cụ thể thiệt hại để có hướng đề xuất giúp người nuôi tôm.

Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.