|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm Ấn Độ 'nhọc nhằn' vào thị trường Mỹ và EU

17:51 | 20/12/2018
Chia sẻ
Do vướng mắc về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc kháng sinh, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang các thị trường Mỹ và EU gặp khó khăn. Đây cũng được coi là cơ hội cho tôm Việt Nam.

Sản lượng tôm Ấn Độ có thể giảm năm thứ hai liên tiếp

Theo trang Undercurrentnews, nông dân Ấn Độ đang phải vật lộn với tình trạng tôm bị mắc bệnh và phải sử dụng thuốc kháng sinh. Đồng thời, các nhà chế biến đang chứng kiến nhu cầu ở thị trường nước ngoài giảm. Hai yếu tố này cộng hưởng có thể khiến sản lượng tôm nước này giảm khoảng 15 - 20% trong năm tài chính 2018.

Theo ông D Ramraj, Chủ tịch Hiệp hội trại giống tôm Ấn Độ, do giá tôm tại thị trường Mỹ và một số bệnh như phân trắng hoặc nhiễm vi bào tử trùng enterocytozoon hepatopenaei, nguy cơ sản lượng tôm có thể ghi nhận năm giảm thứ hai liên tiếp.

Ông D Ramraj cho biết thêm năm ngoái, sản lượng tôm nội địa đạt 650.000 tấn.

Theo ông Alex K Ninan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ, nhu cầu tôm trong mùa Giáng Sinh đã kết thúc, tuy nhiên doanh số bán hàng không được kì vọng sẽ đến nhiều từ các thị trường nước ngoài.

“Thị trường EU biến động lớn do những vấn đề liên quan tới kháng sinh và hiệp hội quyết định đưa vấn đề này lên Bộ Thương Mại”, ông Alex K Ninan cho biết.

tom an do nhoc nhan vao thi truong my va eu
Tôm Ấn Độ 'nhọc nhằn' vào thị trường Mỹ và EU

Để phù hợp với tiêu chuẩn của EU và Mỹ, ông D Ramraj cũng cho biết ngành tôm nói riêng và Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Hải sản (MPEDA) đã phối hợp để loại bỏ kháng sinh trong tôm.

Bước đầu tiên, Hiệp hội các Chuyên gia Thủy sản cùng với MPEDA và Hiệp hội trại giống tôm Ấn Độ thực hiện hàng loạt chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh trong tôm tại các bang Chennai, Ongole và Kakinada.

Hơn 500 trại tôm được cho là sử dụng thuốc thuốc kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Đối với những trường hợp này, các cơ quan khuyến khích sử dụng những phương pháp điều trị khác an toàn hơn để thay thế thuốc kháng sinh.

MPEDA sẽ theo dõi sát sao về dư lượng thuốc kháng sinh trong các trại sản xuất giống tôm và cấp giấy chứng nhận cho những trại tuân thủ đúng quy định.

Lo ngại về quy định SIMP của Mỹ

Theo trang Business Line, bên cạnh những bất ổn tại thị trường EU liên quan đến vấn đề dư lượng kháng sinh trong tôm, các công ty xuất khẩu còn lo ngại về quy định Chương trình Giám sát Thủy sản Nhập khẩu (SIMP) của Mỹ.

Theo đó, nếu các công ty không chấp hành nghiêm túc chương trình SIMP, 50% lượng tôm xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến, SIMP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ đã kêu gọi cơ quan chức năng chuẩn bị phương án tăng cường thực hiện thủ tục đăng kí trại nuôi và tàu khai thác gắn với chứng nhận để giải quyết vấn đề truy xuất trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Alex K Ninan cho hay nếu các thủ tục này không được hoàn thiện, việc tiếp thị bán lẻ tôm Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 10 đạt 27.861 tấn, tăng 17% so với 23.793 tấn của cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, đây là tháng thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 6, kim ngạch tăng trưởng hai con số.

Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch đạt 203.699 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017.

Giá trung bình xuất khẩu cũng tăng trong tháng 10 đạt 8,9 USD/kg so với 8,49 USD/kg của tháng 9. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, giá trung bình xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ tăng sau một thời gian giảm.

Ấn Độ gặp khó khăn và cơ hội cho tôm Việt Nam

Theo VASEP, hiện tại, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường EU như Ấn Độ và Thái Lan vẫn được duy trì.

Theo đó, hai đối thủ này của Việt Nam giảm dần xuất khẩu sang EU do vướng phải những vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Hơn nữa, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019 tạo cơ hội cho tôm Việt Nam xuất sang EU trong năm 2019.

VASEP nhận định châu Âu là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm của Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất. Nếu hiệp định thương mại với EU được kí kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%.

Xem thêm

Đức Quỳnh