|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng tới hơn 32%

13:45 | 13/11/2018
Chia sẻ
Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 13/11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018. 
toi pham ve tham nhung chuc vu tang toi hon 32
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 13/11

Phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế

Báo cáo nêu rõ: Năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%; tội phạm về ma túy tăng 12,6% và tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đều giảm. Tuy nhiên, tính chất, mức độ nguy hiểm của phạm tội cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Đáng lưu ý, các tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng việc Quốc hội thảo luận một số dự án luật đã tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, trong năm 2018 tiếp tục phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, tính chất phức tạp hơn; có những vấn đề xung đột lợi ích xã hội phát sinh mà chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp trong quản lý, xử lý. Viện Kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát theo thủ tục sơ thẩm hơn 400.000 vụ, việc dân sự, tăng 15,2% và gần 10.000 vụ án hành chính, tăng 32,6%. Có nhiều vụ việc tranh chấp hành chính ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

“Tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công

Cũng trong phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các “nhóm lợi ích” nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động của tội phạm ma tuý diễn ra nghiêm trọng và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến vận chuyển. Xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều dạng ma túy mới đang thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng...

Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Tô Lâm, chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội diễn ra đáng lo ngại; hệ thống pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa phát huy tốt; công tác nắm tình hình, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở chưa hiệu quả; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt có trường hợp vi phạm bao che cho tội phạm gây dư luận xấu...

Trong năm 2019, các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật được đề ra là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này; kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ...

Bên cạnh đó, tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, nhất là liên quan đến “tín dụng đen”, núp bóng doanh nghiệp; tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm về ma túy...

"Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phòng ngừa các trường hợp bức cung, nhục hình, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội...", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Xem thêm

Thanh Nguyễn

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.