|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tội phạm tham ô có nguy cơ rửa tiền cao nhưng mới chỉ xử lí được một vụ

12:35 | 17/05/2019
Chia sẻ
Trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam xác định ba nhóm tội phạm nguồn có nguy cơ cao rửa tiền gồm: tội tham ô tài sản, tổ chức đánh bạc và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.

Sáng nay (17/5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và Kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro để hỗ trợ.

Căn cứ kết quả đánh giá các tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền, xu hướng và kỹ thuật rửa tiền cùng nguy cơ của các lĩnh vực, ngành nghề, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam được đánh giá ở mức Trung Bình.

Trong báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam lần này, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền vào đánh giá. Trên cơ sở đánh giá qui mô, tính chất và số liệu điều tra, truy tố, xét xử cũng như nguồn tiền tội phạm có được khi thực hiện các loại tội này giai đoạn 2012-2017 để đánh giá nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam.

Tội phạm tham ô có nguy cơ rửa tiền cao nhưng mới chỉ xử lí được một vụ

Báo cáo cho biết ba nhóm tội phạm nguồn có nguy cơ cao rửa tiền gồm: tội tham ô tài sản (Ví dụ như vụ ông Giang Văn Hiển - Giang Văn Đạt); tổ chức đánh bạc (vụ việc của Phan Sào Nam) và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.

Riêng đối với tội danh cuối hiện cơ quan chức năng chưa xử lí việc nào liên quan đến tội phạm này nhưng do nguồn lợi nhuận lớn nên tội phạm trong lĩnh vực này luôn tìm cách hợp thức hoá nguồn tiền thu được.

Trong thời gian khảo sát, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố một vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô. 

Trả lời phóng viên về câu hỏi tại sao tội phạm tham nhũng có nguy cơ rửa tiền cao nhưng mới chỉ khởi tố một vụ, ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống rửa tiền NHNN, cho biết những đối tượng đó là được "đánh giá xu hướng là nguy cơ cao".

Tội phạm tham ô có nguy cơ rửa tiền cao nhưng mới chỉ xử lí được một vụ - Ảnh 1.

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống rửa tiền NHNN trả lời phóng viên (Ảnh: TM)

"Để xử được tội rửa tiền thì phải xử được tội phạm nguồn, khác với những tội phạm khác là xét xử ngay sau khi điều tra. Phải có tội phạm nguồn định danh, những nguồn tiền sinh ra từ tội phạm nguồn là hướng để điều tra truy tố và xét xử tội rửa tiền", ông nói.

Ông cho rằng đây là một trong những khó khăn trong việc xét xử tội rửa tiền. Nếu hoàn thiện được hướng dẫn để xác định được tội phạm nào là tội phạm nguồn thì quá trình điều tra truy tố sẽ được thuận lợi hơn.

Trong nhóm tội phạm về tham nhũng, so với tội hối lộ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn (cụ thể, năm 2016 xét xử 80 vụ với 161 bị cáo, năm 2017 xét xử 18 vụ với 41 bị cáo).

Qua các vụ án tham ô tài sản được xét xử có thể thấy, các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỉ đồng. Các khoản tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được "rửa tiền".

So với các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền, số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội đánh bạc là rất lớn. Năm 2017 xét xử là 3.665 vụ đánh bạc với 20.162  bị cáo và 494 vụ tổ chức đánh bạc với 1771 bị cáo.

Số lượng các vụ án và bị cáo bị xét xử về tội tổ chức đánh bạc tuy có thấp hơn tội đánh bạc, con số này vẫn là đáng kể so với các loại tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền.

Mặc dù số tiền thu được từ hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc tính trung bình trên đối tượng phạm tội là không cao và tội phạm có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được vào mục đích tiêu dùng cá nhân, song trong các vụ án lớn về tổ chức đánh bạc số tiền niêm phong, phong tỏa, tịch thu và thu hồi là rất lớn nên không loại trừ việc các đối tượng phạm tội có xu hướng sử dụng các khoản tiền thu được từ loại tội phạm này vào mục đích đầu tư, rửa tiền.

Ngân hàng cần làm gì để chống rửa tiền?

Theo báo cáo của Cục Phòng chống rửa tiền NHNN, nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng được đánh giá là cao. Ngoài ra còn có hai lĩnh vực khác cũng được đánh giá có nguy cơ cao cho hoạt động rửa tiền là bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức. Mức độ tổn thương từ hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực ngân hàng cũng được đánh giá ở mức trung bình cao.

Số liệu thống kê cho biết, gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ là đến từ lĩnh vực ngân hàng. Điều này cho thấy ngân hàng là nơi được tội phạm lựa chọn để hợp pháp hoá các khoản thu bất chính, biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch". Nhiều khoản tiền bất hợp pháp được sử dụng tên người khác để giao dịch.

Tội phạm tham ô có nguy cơ rửa tiền cao nhưng mới chỉ xử lí được một vụ - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TM)

Ông Phạm Gia Bảo đánh giá lượng tiền chuyển qua ngân hàng là chính mặc dù nền kinh tế nước ta có thói quen dùng tiền mặt rất cao. Đối với ngành ngân hàng cần chú trọng theo dõi đối tượng lĩnh vực nào có kết quả đánh giá là rủi ro cao, cụ thể như bất động sản, chuyển tiền,...

"Lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao thì ngân hàng cần phải tăng cường nhận biết các giao dịch và đối tượng liên quan đến nó, kiểm soát các hoạt động về dòng tiền. Đặc biệt nhân viên ngân hàng có nhận thức cao hơn về lĩnh vực có nguy cơ cao này", ông nói.

Trúc Minh