|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tôi muốn xây dựng nên một công ty quan trọng với thế giới

20:22 | 06/02/2018
Chia sẻ
Với vốn đầu tư 9 triệu USD cho vòng hạt giống và series A, ứng dụng chia sẻ kiến thức mang tên Got It của doanh nhân Việt Nam - Trần Việt Hùng - đang trở thành một trong những cái tên  'hot' nhất tại Silicon Valley.

Got It đang là cái tên “hot” tại Silicon Valley, cái nôi của giới khởi nghiệp nước Mỹ. Cách đây 6 năm, khi còn là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Iowa, Trần Việt Hùng bắt đầu giấc mơ của mình khi tạo ra nền tảng gia sư trực tuyến Tutor Universe, tiền thân của Got It. Sau một chặng đường nhiều thăng trầm, Got It gọi vốn được 9 triệu USD cho vòng hạt giống và series A, hiện chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo để tăng trưởng. Không dừng lại ở ứng dụng hỏi – đáp trực tiếp cho lĩnh vực giáo dục, Việt Hùng có tham vọng mở rộng ra kết nối tri thức ở mọi lĩnh vực.

Tháng 6-2017, anh công bố nền tảng chia sẻ “kiến thức như một dịch vụ” (Knowledge as a Service – KaaS) đầu tiên trên thế giới giúp kết nối người dùng với các chuyên gia ở mọi lĩnh vực. Got It hiện chỉ có phiên bản cho người dùng sử dụng tiếng Anh, hứa hẹn sẽ mở rộng đa ngôn ngữ trong tương lai gần. Nhân sự của Got It là những kỹ sư tài giỏi xuất thân từ nhiều quốc gia với hai văn phòng tại Mỹ và Việt Nam.

Mới ngày nào, có ứng viên đến phỏng vấn rồi bỏ về vì chê văn phòng tuềnh toàng, giờ đây Got It tại Việt Nam đã có cơ ngơi khang trang với tầm nhìn toàn cảnh Hà Nội tuyệt đẹp từ tầng 12 của một tòa nhà lớn ở phố Thụy Khê. “Văn phòng hiện có gần 40 nhân viên nhưng sẽ mở rộng lên 100 trong năm 2018, nên chắc phải kiếm một địa điểm mới” – Việt Hùng hào hứng cho biết, chỉ vài giờ trước khi lên máy bay quay lại Mỹ sau chuyến thăm quê hương ngắn ngày.

toi muon xay dung nen mot cong ty quan trong voi the gioi
Trần Việt Hùng

* Sau một Got It Study gây tiếng vang toàn cầu, Got It Pro đang bắt đầu chào sân, hứa hẹn làm thay đổi hoàn toàn thói quen của người dùng với các thắc mắc chuyên môn, anh có thể giải thích rõ hơn về nền tảng mới nhất này?

Đây là nền tảng dành cho nhóm người dùng lớn tuổi hơn đối tượng học sinh – sinh viên đang sử dụng Got It Study. Dù bạn làm việc ở bất cứ ngành nghề gì, sẽ luôn có những thắc mắc chuyên môn mà không phải lúc nào cũng được giải đáp nhờ tìm kiếm trên Google hay từ các trang web cộng đồng. Chúng tôi muốn tạo ra nền tảng kết nối người dùng và chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới. Bất kỳ ai với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình đều có thể trở thành chuyên gia và bất kỳ khi nào có mười phút rảnh bạn đều có thể làm việc trên nền tảng của Got It để giúp đỡ người khác và kiếm thêm thu nhập.

Lĩnh vực đầu tiên chúng tôi muốn nhắm đến là Microsoft Excel, một trong những phần mềm phổ biến nhất thế giới của dân văn phòng. Theo nghiên cứu thị trường, nhu cầu giải đáp thắc mắc của người dùng Excel là rất lớn. Mặc dù mới ở chế độ thử nghiệm (beta) được vài tháng, chúng tôi đã nhận được hơn 20 ngàn câu hỏi gửi về cho nền tảng này. Bằng cách tích hợp một ô cửa sổ trò chuyện vào ngay trên giao diện Excel, người dùng có thể chat trực tiếp với chuyên gia và cùng thao tác với chuyên gia ngay trên file Excel.

Chắc bạn cũng thấy, mỗi khi gặp vấn đề gì về công nghệ thông tin, nếu không có ai để hỏi, chúng ta thường hỏi “bác Google” đúng không? Và sẽ ra vô vàn kết quả, đôi khi khiến ta càng thêm mơ hồ vì chỉ có thể tương tác một chiều với câu trả lời. Đối với câu hỏi rất cụ thể, ví dụ tại sao hàm SUMIF không làm việc với dữ liệu ABC của tôi ở cột B, “Google” sẽ không thể nào tìm ra kết quả. Với giải pháp Got It Pro cho Excel, rất nhanh bạn đã có thể được kết nối với chuyên gia. Chúng tôi dùng công nghệ AI – Trí tuệ nhân tạo để xếp hạng và đánh giá các chuyên gia, giúp quá trình kết nối diễn ra hiệu quả nhất. Thuật toán ExpertRank – Xếp hạng chuyên gia sẽ đảm bảo kết nối bạn với chuyên gia phù hợp nhất cho câu hỏi của bạn trong từng lĩnh vực với năng lực tư vấn được đánh giá cao từ những lần tương tác trước đó.

Sau Excel, chúng tôi dự định tung ra Got It Dev dành cho các lập trình viên. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện mô hình kinh doanh cho Got It Pro. Cụ thể, mức phí dự kiến là 7,99 USD cho nhóm câu hỏi dễ và 14,99 USD cho nhóm câu hỏi khó. Chúng tôi đang cân nhắc về chọn đơn vị thời gian tư vấn để tính phí cho hợp lý. Không chỉ Excel, trong tương lai, nền tảng Got It Pro có thể tích hợp vào rất nhiều lĩnh vực khác để cung cấp dịch vụ hỏi đáp giữa người dùng và chuyên gia trên toàn thế giới.

* Sergey Brin và Larry Page đã bỏ ngang bằng tiến sĩ Khoa học máy tính để lập ra Google với thuật toán PageRank, xếp hạng các trang web tìm kiếm. Hơn 20 năm sau, Trần Việt Hùng, khác một chút là đã tốt nghiệp tiến sĩ ngành này, đang xây dựng Got It với thuật toán ExpertRank xếp hạng các chuyên gia, với mong muốn tạo ra giải pháp tìm kiếm nhanh và chất lượng hơn Google. Có vẻ lịch sử đang lặp lại với sự xuất hiện của một sản phẩm vô cùng hứa hẹn?

Mọi thứ chỉ mới bắt đầu, bởi nhu cầu tri thức của con người là vô hạn. Nếu cần tìm kiếm nhanh, bạn không thể không dùng Google. Nhưng bản chất công cụ tìm kiếm như Google cũng có những mặt hạn chế. Thông tin sẽ khó đi sâu, thật sự có giá trị và bạn rất ít cơ hội được tương tác trực tiếp với một ai đó đủ uy tín và chuyên môn để bạn có thể tin tưởng. Cũng có những nền tảng để hỏi chuyên sâu như Quora hay StackOverFlow, nhưng bạn mất rất nhiều thời gian để có câu trả lời và cũng không có gì đảm bảo rằng câu trả lời đó là đúng. Với nền tảng Got It, bạn sẽ giải quyết được cả hai vấn đề: tốc độ kết nối và chất lượng của thông tin. Chặng đường còn rất dài nhưng tôi tin vào tầm nhìn của mình.

* Thử thách lớn nhất của mô hình Knowledge as a Service Platform – Kiến thức như một dịch vụ của Got It là gì?

Đó chính là mở rộng quy mô, gia tăng số lượng chuyên gia và người dùng trong khi vẫn giữ được chất lượng dịch vụ.

* Vậy anh sẽ làm thế nào để giải quyết thử thách này?

Chúng tôi phải thật sự hiểu người dùng. Got It Study đã làm được điều đó. Chúng tôi đã giúp người dùng giải đáp hơn 3 triệu câu hỏi, một con số khá lớn trong vòng hai năm.

Trong quá trình tìm hiểu người dùng, chúng tôi phải thay đổi liên tục, khi phát hiện ra họ muốn gì thì lập tức xây dựng sản phẩm theo hướng đó. Với Got It Study, chúng tôi quan sát họ chụp ảnh, thói quen post Facebook, hay sử dụng những app nào… Học sinh – sinh viên thường xài ứng dụng Snapchat, Instagram và Facebook cả ngày, dường như là bản năng. Chúng tôi thiết kế sản phẩm dựa trên những quan sát đó: Mỗi khi gặp vấn đề với bài giảng hay bài tập, học sinh – sinh viên chỉ cần chụp ảnh phần không hiểu rồi post lên nền tảng của Got It, sau đó kết nối và chat với các chuyên gia về học tập. Khi sản phẩm được đưa tới người dùng, nó phù hợp ngay với những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của họ. Khi công nghệ “gãi đúng chỗ ngứa”, người ta sẽ dùng ngay và khi có được trải nghiệm tốt, họ sẽ tự động chia sẻ, mời bạn bè dùng thử và chúng sẽ tự nhiên lan truyền với tốc độ chóng mặt.

* Văn phòng của Got It ở Hà Nội được thiết kế rất hiện đại, đậm chất công nghệ và dự kiến phải mở rộng vì anh tuyển rất nhiều kỹ sư Việt Nam. Theo anh, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ kỹ sư công nghệ trong nước?

Đối với Got It, cái gì ở đâu làm được tốt nhất, Việt Nam hay Silicon Valley, thì mình làm ở đó. Phần lớn công việc liên quan tới kỹ thuật, chúng tôi làm ở Việt Nam và luôn đầu tư rất mạnh vào nguồn lực con người để xây dựng một đội ngũ kỹ thuật tuyệt vời tại đây. Điểm mạnh thứ nhất của kỹ sư Việt Nam là mọi người làm việc rất chăm chỉ và “trâu bò”. Thứ hai, với một số kỹ năng cụ thể về lập trình, các bạn học khá nhanh. Còn hạn chế đầu tiên là ngoại ngữ, nhiều bạn rất tệ. Kế đến là tư duy về sản phẩm. Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều công ty để cho các kỹ sư làm từ A đến Z khi xây dựng sản phẩm. Họ thường thích vẽ vời và ít khi nghĩ về người dùng. Cứ nghĩ sao để càng khó càng tốt, để chứng tỏ mình là kỹ sư giỏi, làm được những cái phức tạp, những thói quen này thường gây khó khăn cho người dùng cuối. Cần nghĩ đến sản phẩm, đến người dùng cuối.

Một điểm hạn chế nữa là trải nghiệm xuyên các nền văn hóa, là khả năng cộng tác, phối hợp và chủ động làm việc trong một đội ngũ mới, đến từ nhiều quốc gia. Thường kỹ sư Việt khá nhát và chịu lép vế. Có thể do ngoại ngữ kém khiến họ thiếu tự tin. Đó là những hạn chế bề nổi. Đào sâu một chút, kỹ sư Việt thường không có nền tảng học thuật mạnh, khiến họ rất khó trở thành một kỹ sư tương đương với đồng nghiệp ở Silicon Valley. Các công ty gia công phần mềm thường chỉ cần một đội ngũ lập trình đông đảo làm đúng những gì đối tác yêu cầu, ít quan tâm đến người dùng. Lập trình viên nhận việc và làm cho xong, ít khi đào sâu và thật sự hiểu bản chất vấn đề. Không nhiều kỹ sư có nền tảng đào tạo tốt, giỏi về giải thuật, thiết kế kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu… Năm 2017, Got It nhận 1.700 hồ sơ nhưng số lượng tuyển được chỉ trên đầu ngón tay.

* Đâu là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế này, thưa anh?

Không hẳn do bằng cấp hay quá trình đào tạo mà do người ta không thật sự quan tâm, đào sâu. Thị trường đang rất khan hiếm nhân lực về công nghệ thông tin, nên các bạn học ngành này một cách làng nhàng cũng có thể kiếm được việc làm tốt ở các công ty gia công phần mềm. Do đó, chỉ những ai có tham vọng trở thành kỹ sư giỏi thì mới chịu khó tôi luyện, còn đa số không quan tâm và rất tự tin về khả năng kiếm việc của mình. Chúng tôi phải chấp nhận thực tế đó tại môi trường Việt Nam, không thể yêu cầu họ giỏi ngay được.

Chính vì vậy Got It rất chú trọng đào tạo cho kỹ sư, xem họ giống như một phần mềm vậy, có phiên bản 1.0, 2.0, 3.0,… Chúng tôi luôn tạo điều kiện để phiên bản sau tốt hơn phiên bản trước. Công ty đầu tư mua giấy phép của các thư viện về sách vở, giáo trình, khóa học trực tuyến,… và liên tục đưa nhân viên qua Mỹ để họ trải nghiệm, học hỏi. Quá trình đào tạo của Got It rất khắc nghiệt, hai tháng đầu các bạn sẽ bị giã như giã giò để thấy rõ con đường trở thành một kỹ sư thật sự. Phải có nền tảng tốt, giải pháp đưa ra phải xuyên suốt, toàn diện, làm cái gì thì phải hiểu bản chất vấn đề. Không như nhiều bạn khi gia công phần mềm cứ lên mạng tìm mã nguồn mở rồi về chỉnh, cũng ra được sản phẩm nhưng không thật sự hiểu. Khi tìm kiếm kỹ sư ở nước ngoài cho Got It, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn tốt như Đông Âu hay Ấn Độ, nhưng tôi chọn Việt Nam vì muốn kiểm chứng khả năng công nghệ của chúng ta.

Rõ ràng chúng ta làm được, chỉ cần một môi trường để các bạn rèn luyện và cải thiện. Nếu tăng quy mô lên hơn 100 triệu user, nhiều thứ sẽ phá vỡ các lý thuyết, quy luật mà mọi người thường biết, đó mới là bài kiểm tra thật sự, để xem mình có thể thích nghi, học hỏi và tư duy ra sao.

* Trong khi ở Silicon Valley, các startup, tập đoàn công nghệ lớn vẫn săn lùng nhân tài, thì nhiều nhân sự cấp cao từng làm cho các tập đoàn công nghệ lớn đã về với Got It. Anh làm thế nào để “chinh phục” họ?

Thời gian đầu vô cùng khó, phải mất rất nhiều thời gian. Như Matt Gabler, tôi mất 3-4 tháng mới thuyết phục anh ấy rời Lyft, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ứng dụng gọi xe Uber tại Mỹ, để về Got It đảm nhận vị trí Giám đốc Vận hành (Head of Operations). Họ đều là những người giỏi hơn mình nên chúng tôi phải nói rằng công ty thật sự rất cần kỹ năng, kinh nghiệm của họ và sẽ tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng. Công ty cũng cam kết không để họ phải lo lắng chuyện tài chính, quan hệ đồng nghiệp…, họ chỉ cần tập trung vào công việc, đảm bảo sản phẩm đầu ra phải có đẳng cấp thế giới. Bây giờ đỡ hơn một chút, vì người ta nhìn thấy đội ngũ hiện tại rồi.

* Bài học lớn nhất anh rút ra được từ đợt gọi vốn thành công 9 triệu USD là gì?

Phải xem mỗi lần đàm phán với các VC Firm – Quỹ đầu tư mạo hiểm, dù được hay không, là bài học quý giá. Với những người từ chối đầu tư, phải tìm cách biết lý do vì sao người ta từ chối mình, chẳng hạn xin một cuộc hẹn riêng uống cà phê, để lấy được phản hồi của họ, những suy nghĩ của họ về mình. Nếu không lấy được tiền thì phải lấy được phản hồi thật lòng của họ, rồi suy ngẫm xem có hợp lý không, mình bị thiếu cái gì, làm sao để làm tốt hơn cho lần sau…

* Vậy phản hồi mà anh thường nhận được từ những lần bị từ chối đầu tư là gì?

Có một ý được lặp đi lặp lại, họ nói ngành kinh doanh gia sư – hỏi đáp này sẽ là kiếm tiền khỏe, nhưng khó thể phát triển thành công ty lớn, một công ty kỳ lân (một startup với giá trị cực lớn và tăng trưởng cực nhanh) được. Người thì nói chúng tôi chẳng thấy “ông Việt Nam” nào ở đây thành công cả, nên… thôi. Nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư thấy được tiềm năng của Got It và tin vào tương lai của chúng tôi. Tổng cộng chúng tôi gặp khoảng 50 quỹ, có khoảng 10 cuộc gặp hai bên thực sự quan tâm đến nhau, trong đó 3-4 quỹ chấp nhận đầu tư cho Got It và đưa ra các điều khoản đầu tư. Trong vòng 24 tiếng, chúng tôi phải đưa ra quyết định lựa chọn xem ai hợp với mình nhất, đồng thời phải nói sao để vẫn giữ quan hệ với các bên còn lại. Có nhiều startup sử dụng điều khoản đầu tư của quỹ này để đàm phán, kỳ kèo với quỹ khác, làm vậy thì khi mọi thứ vỡ lở, uy tín của startup ấy cũng giảm sút, rất khó gọi vốn trong những lần sau.

Đang là người cố vấn (mentor) cho rất nhiều startup Việt, anh thấy họ thường gặp phải vấn đề gì lớn?

Có hai vấn đề. Thứ nhất là nhà sáng lập quá cá nhân, xem mình là giỏi nhất. Điều đó sẽ tạo ra khó khăn bởi sự phát triển của công ty bị hạn chế bởi chính nhà sáng lập. Người ấy giỏi đến đâu thì công ty chỉ có thể đến đấy thôi. Không có người giỏi hơn, công ty không phát triển tiếp được. Ít nhà sáng lập Việt chịu để công ty cho một người giỏi hơn mình điều hành. Với Got It, tôi biết mình thiếu kinh nghiệm quản trị, ứng xử với các quỹ đầu tư, môi trường Mỹ nên giao việc đó cho ông Peter Relan, ban đầu là người đầu tư vào Got It và hiện tại là CEO của công ty, tôi tập trung vào mảng công nghệ, phát triển sản phẩm. Muốn công ty phát triển, nhà sáng lập không được giấu dốt và phải luôn coi việc tìm những người giỏi nhất cho công ty là nhiệm vụ hàng đầu.

Vấn đề thứ hai là khả năng xây dựng sản phẩm tốt. Nhiều người hay làm sản phẩm theo chủ quan, tự nghĩ ra xong lao đầu vào làm, ít khi chịu ra ngoài tìm hiểu trước nhu cầu của khách hàng. Rất nhiều nhà sáng lập không thật sự chú tâm phát triển sản phẩm, chỉ lo đi dự sự kiện, chụp hình check in khắp nơi. Có cái gì đó hơi hào nhoáng, phong trào. Làm startup không rảnh rỗi thế đâu. Với công ty startup, sản phẩm – dịch vụ là điều quan trọng hơn mọi thứ khác, thời gian đầu nhà sáng lập phải là người quản lý sản phẩm (Product Manager) cho cả công ty.

Một điểm nữa là ít người nghĩ đến việc đưa sản phẩm ra ngoài biên giới Việt. Ít nhất phải nghĩ xem sản phẩm của mình có thể phục vụ được thị trường Đông Nam Á hay không, nếu được thì phải có chiến lược đưa sản phẩm vào các thị trường này ngay lập tức.

Điểm cộng của các nhà sáng lập Việt là rất chăm chỉ, nếu có sự hướng dẫn đúng đắn, cơ hội thành công sẽ cao.

* Theo anh, thế nào là một startup thành công?

Đó không hẳn là kiếm được nhiều hay ít tiền, mà là tạo ra một sản phẩm quan trọng với xã hội. Những công ty như Google hay Facebook mà ngừng cung cấp dịch vụ, rõ ràng thế giới cũng bị ảnh hưởng nhiều, đúng không? Họ là những công ty quan trọng với thế giới. Chúng tôi muốn xây dựng một Got It như thế!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Trần Quốc Khánh