Toàn cảnh nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD rộng bằng 1.200 sân bóng đá
TOÀN CẢNH NHÀ MÁY LỌC DẦU 3 TỶ USD
Tháng 11/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định chọn Dung Quất (Quảng Ngãi) xây nhà máy lọc dầu số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Tháng 7/1997, Thủ tướng phê duyệt dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, với tổng vốn 1,5 tỷ USD. Tháng 1/1998, nhà máy được động thổ xây dựng tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Sau nhiều năm thăng trầm, đến tháng 11/2005, nhà máy lọc dầu đầu tiên Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng ở hai xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn). Dự án được điều chỉnh vốn lên 3 tỷ USD do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn Dầu khí (PetroVietNam) làm chủ đầu tư. Tháng 1/2011, nhà máy khánh thành, đưa vào hoạt động 100% công suất. Công trình rộng 808 ha (337 ha mặt đất, 471 ha mặt biển) đáp ứng 33% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước.
Khu vực phao rót dầu không bến (SPM) trên vịnh Việt Thanh. Tàu trọng tải lớn chở dầu thô từ mỏ Bạch Hổ (Bà Rịa Vũng Tàu) về neo đậu ở phao rót dầu (SPM). Tại đây, các chuyên gia, kỹ sư thực hiện đấu nối ống mềm vào hệ thống ống bơm trên tàu để bơm dầu thô vào bồn, bể chứa nhà máy.
Dầu thô được bơm từ tàu trọng tải lớn qua đường ống ngầm xuyên biển hơn 4 km vào nhà máy. Sau đó, dầu thô tiếp tục được chuyển đến tháp chưng cất khí quyển với công suất 140.000 thùng mỗi ngày để tách thành các phân đoạn như: Gas, Naptha, Kerosen, Gas oil nặng và nhẹ và cặn khí quyển.
Khu bồn chứa dầu thô lọc dầu Dung Quất có tám bồn (mỗi bể có dung tích 65.000m3). Sau khi được tách các phân đoạn, khí gas được đưa đến phân xưởng chế biến gas và thu hồi Propylene sản xuất ra sản phẩm khí hóa lỏng (LPG), còn nguyên liệu Propylene đưa qua nhà máy Polypropylene để chế biến sản phẩm hạt nhựa. Riêng Naptha được chuyển đến các phân xưởng công nghệ để nâng cao chỉ số octan phối trộn xăng.
Phân xưởng công nghệ Cracking xúc tác, nơi được các chuyên gia ví là "trái tim" của nhà máy lọc dầu Dung Quất chế biến ra sản phẩm xăng, dầu. Kerosen được đưa đến phân xưởng xử lý kerosen tạo ra nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu hỏa. Gas oil nặng và nhẹ được chuyển đến xử lý cho ra dầu diesel. Cặn khí quyển được đưa đến phân xưởng xử lý để cho ra các sản phẩm: Xăng, diesel, dầu nhiên liệu…
Toàn bộ các phân xưởng công nghệ và phụ trợ của nhà máy được các chuyên gia, kỹ sư điều hành tại trung tâm điều khiển thông qua hệ thống điều khiển phân tán DCS hiện đại có chức năng: Điều khiển, giám sát, ghi nhận, lưu trữ và hiển thị dữ liệu về quá trình vận hành của nhà máy. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn, cho biết lúc thi công cao điểm có đến 15.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân đến từ 30 quốc gia trên thế giới và nhiều tỉnh, thành cả nước về đây tham gia xây dựng trên công trường.
Các chuyên gia, kỹ sư kiểm tra các hạng mục, phân xưởng công nghệ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thống kê của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn, gần 37.000 tấn thiết bị; 23.000 tấn bồn bể; hơn 40.000 tấn đường ống và phụ kiện; khoảng 14.000 tấn các vật tư của hệ thống điện và đo lường, điều khiển (bulk material); 11.000 thiết bị tự động hóa; hàng triệu mét cáp điện, cáp điều khiển... được vận chuyển về Quảng Ngãi phục vụ thi công nhà máy.
Tàu trọng tải lớn xuất cập cảng xuất sản phẩm tiếp nhận sản phẩm xăng, dầu vận chuyển bằng đường biển đưa đi tiêu thụ thị trường trong nước. Các sản phẩm sau khi được chế biến từ các phân xưởng công nghệ được đưa đến khu bể chứa trung gian. Tại đây, sản phẩm được kiểm tra chất lượng và phối trộn với tỷ lệ hợp lý trước khi đưa ra 22 bể chứa sản phẩm bằng đường ống dài khoảng 7 km.
Hiện nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chế biến, xuất bán thị trường 11 sản phẩm (xăng RON 92, xăng RON 95, xăng E5 RON 92, DO, KO, Jet A1, FO, LPG, Propylen, hạt nhựa PP và Lưu huỳnh). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Công an Quảng Ngãi bố trí lượng cảnh sát vũ trang thường trực 24/24h bảo vệ an ninh, an toàn cho hoạt động nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình trọng điểm dầu khí quốc gia đầu tiên của cả nước được triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang để bảo vệ.
Cảng xuất sản phẩm nằm ở vịnh Dung Quất, cách khu bể chứa sản phẩm khoảng 3 km. Cảng có sáu bến xuất đảm bảo cho tàu có trọng tải từ 1.000 đến 30.000 tấn vào tiếp nhận sản phẩm xăng, dầu. PetroVietNam từng lắp đặt hệ thống camera, hệ thống cột quanh hàng rào phát hiện đột nhập bằng tia hồng ngoại; sử dụng gần 400 nhân viên an ninh và đưa cả đội chó béc-giê nghiệp vụ tham gia nhằm bảo vệ công trình.
Nhằm ngăn sóng, bảo vệ khu cảng xuất sản phẩm của nhà máy lọc dầu và các công trình khác trong vịnh Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây đê chắn sóng (phải) dài gần 1.600 m, mặt đê rộng 11 m, cách mặt nước biển từ 10 đến 11 m.… Các nhà thầu đã đổ xuống biển 1,3 triệu m3 đá và lắp đặt 21.000 cấu kiện bê tông... xây dựng tuyến đê.
Để phục vụ cho các phân xưởng công nghệ hoạt động, nhà máy có 10 phân xưởng phụ trợ như: Nhà máy điện, các phân xưởng cung cấp khí nén và khí điều khiển, hóa chất, nước làm mát, nước cứu hỏa và nước sinh hoạt, khí nhiên liệu, dầu nhiên liệu, phân xưởng xử lý nước thải...
Nhà máy lọc dầu Dung Quất tỏa sáng lung linh trong đêm. Để mô tả khối lượng công việc lớn của dự án này, Tổng thầu Technip từng so sánh các gói thầu chính nhà máy xây trên diện tích 600 ha, tương đương với 1.200 sân bóng đá. Hàng trăm tấn vật tư, thiết bị của công trình tương đương với một triệu xe máy; hơn 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để nối căng hai lần từ Hà Nội đến TP.HCM và một nhà máy điện công suất trên 100 MW đủ dùng cho cả TP Quảng Ngãi....
Thống kê của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn, trải qua gần 9 năm vận hành, đến nay nhà máy đạt doanh thu 955.000 tỷ (tương đương hơn 40 tỷ USD); nộp ngân sách đạt 7 tỷ USD, hơn gấp đôi tổng mức đầu tư nhà máy. Từ nay đến sau năm 2020, Quảng Ngãi đặt mục tiêu hình thành tổ hợp hóa dầu đồng bộ với dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm tạo nền tảng vững chắc để hình thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia.
Theo lãnh đạo Quảng Ngãi, từ khi đi vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã trở thành “hạt nhân” thu hút các dự án lớn đến với tỉnh, hình thành trung tâm công nghiệp nặng đầu tiên tại miền Trung. Năm 2005, khi bắt đầu xây dựng nhà máy này, GDP bình quân đầu người của Quảng Ngãi là 319 USD, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt hơn 546 tỷ đồng. Sau 5 năm nhà máy đưa vào vận hành (kể từ đầu năm 2009), GDP đạt hơn 2.000 USD/người, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Hàng năm, nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn chiếm khoảng 85-90% tổng thu ngân sách của tỉnh, đưa Quảng Ngãi vào nhóm các địa phương có nguồn thu lớn của cả nước.